Đặc phái viên WHO David Nabarro cảnh báo về tác hại của các biện pháp phong tỏa chống dịch đối với nền kinh tế - Ảnh: LightRocket/Getty Images
Đặc phái viên của WHO, tiến sĩ David Nabarro, nói rằng các biện pháp phong tỏa như vậy “chỉ nên được coi là biện pháp cuối cùng”, tạp chí Spectator của Anh dẫn lời ông Nabarro trong một video phỏng vấn mới thực hiện.
“Chúng tôi trong Tổ chức Y tế Thế giới không ủng hộ việc coi phong tỏa như là biện pháp chính để kiểm soát virus”. Ông nhấn mạnh, “điều duy nhất chúng tôi tin rằng phong tỏa là chính đáng là để các bạn có thời gian tổ chức lại, tập hợp lại, cân bằng lại các nguồn lực của mình, bảo vệ nhân viên y tế đã kiệt sức, nhưng nhìn chung, chúng tôi không muốn làm điều đó”.
Tiến sĩ Nabarro nói rằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt gây tác hại đáng kể, đặc biệt là đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết: “Phong tỏa có một hậu quả mà các bạn không bao giờ được phép coi thường, đó là nó khiến những người nghèo trở nên nghèo thê thảm”. Ông nói thêm rằng việc phong tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch. “Ví dụ, chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra với ngành du lịch ở các nước Caribê hoặc Thái Bình Dương khi không ai đi nghỉ”, ông Nabarro nói với tạp chí Spectator.
Ông nói: “Hãy xem điều gì xảy ra với nông dân sản xuất nhỏ trên khắp thế giới, những gì xảy ra với những người nghèo. Có vẻ như chúng ta có thể có tỷ lệ đói nghèo trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, chúng ta cũng có thể có ít nhất gấp đôi số trẻ em suy dinh dưỡng”.
Trong làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ nhất, WHO đã từng lên tiếng cảnh báo các quốc gia không nên dỡ bỏ phong tỏa quá sớm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Điều cuối cùng mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần làm là mở cửa trở lại trường học và doanh nghiệp, rồi buộc phải đóng cửa chúng một lần nữa khi đại dịch trở lại". Nhưng ông Tedros cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp khác, bao gồm xét nghiệm rộng rãi và truy vết nguồn lây, để có thể mở cửa lại một cách an toàn và tránh bị phong tỏa trong tương lai.
Tổng giám đốc WHO nói: “Chúng ta cần đạt được tình thế bền vững khi kiểm soát đầy đủ được virus, mà không phải ‘đóng cửa hoàn toàn cuộc sống’ hoặc lẩn quẩn từ biện pháp phong tỏa này này đến phong tỏa khác khác – những thứ gây tác hại vô cùng bất lợi đối với xã hội".
Theo phunuonline