Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong do COVID-19 đang giảm nhanh trên khắp châu Âu, tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát dịch vào mùa thu vẫn còn cao khi một số nước đang dần nới lỏng các hạn chế. WHO cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của biến thể Delta (biến thể lần đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ).
Cảnh báo được đưa ra khi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm mạnh ở hầu hết các nước trên toàn châu Âu, thậm chí, ở một số quốc gia con số này còn giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
|
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge, kêu gọi các nước thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19 |
Theo WHO, 36 trong số 53 quốc gia châu Âu đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ý và Bỉ cho phép các quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại trong tuần này. Tại Đức, các trường học đã hoạt động bình thường trở lại sau nhiều tháng tổ chức học trực tuyến và chia tách các lớp.
Nhằm thúc giục mọi người và chính phủ các nước thận trọng hơn, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge, cho biết sự lây truyền trong cộng đồng vẫn còn phổ biến và tình trạng lây lan này sẽ tiếp tục khi hoạt động du lịch và tụ họp xã hội tăng lên.
“Năm 2020, vào mùa hè, các ca bệnh tăng dần ở các nhóm tuổi trẻ hơn, sau đó chuyển sang các nhóm tuổi lớn hơn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng khi có quá nhiều ca tử vong vào mùa thu và mùa đông năm 2020. Chúng ta đừng mắc phải sai lầm đó một lần nữa” - Hans Kluge cảnh báo.
Katy Smallwood, chuyên gia y tế hàng đầu, cho biết biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ là mối quan tâm đặc biệt, dù chưa lây truyền phổ biến ở châu Âu: “Chúng tôi đã thấy bằng chứng rất quan trọng về khả năng lây truyền cao và tăng nguy cơ nhập viện đáng kể của biến thể Delta. Có một số bằng chứng về khả năng thoát miễn dịch của biến thể Delta, đặc biệt là chỉ sau một liều vắc xin".
WHO khuyến khích người dân châu Âu có thể tận hưởng mùa hè bằng cách đi du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn. Đồng thời yêu cầu chính phủ các nước tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm, truy tìm nguồn gốc sau những bài học từ năm 2020.
Hơn 30% người dân châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 17% được tiêm chủng đầy đủ, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chưa đủ để bảo vệ khu vực tránh khỏi sự quay trở lại của dịch bệnh.
WHO cho biết, đến nay đã ghi nhận 55 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1,2 triệu ca tử vong tại châu Âu.
Theo phunuonline.com.vn