Các poster có hình tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tại Sao Paulo, Brazil - Ảnh: EPA
Theo Hãng tin AFP, bản báo cáo của WHO đi vào chi tiết những động thái cụ thể của họ kể từ khi nhận được thông tin về những ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối tháng 12-2019 cho tới khi tuyên bố đại dịch ngày 11-3.
Những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán
Ngày 31-12-2019, Trung Quốc gửi báo cáo lên WHO cho biết về một nhóm các ca bệnh viêm phổi "do nguyên nhân chưa biết" tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Trong tổng số 44 ca bệnh có 11 người bị "bệnh nặng", những người khác vẫn ổn định.
Ngày 1-1-2020, WHO kích hoạt nhóm giải quyết khủng hoảng, đặt nhóm này "vào tình thế khẩn cấp giải quyết một dịch bệnh mới bùng phát".
Ngày 4-1, WHO thông báo trên tài khoản mạng xã hội về một nhóm các ca bệnh viêm phổi "chưa có người chết" ở Vũ Hán. Một ngày sau đó, họ lần đầu tiên công bố thông tin về virus mới trong bản tin "Disease Outbreak News" (Tin tức bùng phát bệnh tật) vốn dành cho các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng.
Ngày 10-1, WHO gửi "hướng dẫn kỹ thuật" với thông tin tư vấn tới mọi quốc gia về cách phát hiện, xét nghiệm và quản lý các ca bệnh có thể có.
Những chứng cứ vào thời điểm đó cho thấy "chưa có hoặc có nhưng giới hạn sự lây nhiễm bệnh từ người sang người", WHO cho biết.
Dịch bên ngoài Trung Quốc
Ngày 11-1, Trung Quốc gửi lên WHO bảng giải mã chuỗi trình tự gen của virus corona chủng mới.
Ngày 13-1, Thái Lan công bố có ca bệnh COVID-19 nhập khẩu đầu tiên tại nước này.
Ngày 14-1, phát biểu tại cuộc họp báo, bà Maria von Kerkhove, chuyên gia của WHO, cho biết "rất có thể đã có sự lây nhiễm hạn chế từ người sang người", căn cứ trên trên 41 ca bệnh đã được xác định và có nguy cơ của một sự bùng phát dịch lớn hơn.
Ngày 20 và 21-1, các chuyên gia của WHO từ Trung Quốc và khu vực tây Thái Bình Dương tổ chức chuyến công tác thực địa ngắn tới Vũ Hán.
Ngày 22-1, phái đoàn của WHO tới Trung Quốc cho biết đã có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang người ở Vũ Hán giữa những người có tiếp xúc gần như các thành viên trong gia đình hay trong các môi trường y tế. Tuy nhiên họ cũng lưu ý "cần có thêm điều tra để hiểu đầy đủ quy mô và mức độ sự lây nhiễm này".
Ngày 22-1 và 23-1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá liệu dịch bệnh COVID-19 có phải là "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế" hay không.
Khi đó, ủy ban này gồm các chuyên gia quốc tế độc lập, đã không thể đạt được đồng thuận và yêu cầu nhóm họp lại 10 ngày sau đó để tiếp tục thảo luận.
Ngày 28-1, một phái đoàn công tác của WHO do đích thân Tổng giám đốc WHO dẫn đầu, đã tới Bắc Kinh. Ông Tedros đã đạt được đồng thuận với chính phủ Trung Quốc về việc sẽ có một nhóm các nhà khoa học quốc tế tới Trung Quốc.
Đi đến tuyên bố đại dịch
Ngày 30-1, WHO tuyên bố COVID-19 là "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế".
Trong khoảng thời gian từ 16 đến 24-2, một phái đoàn gồm các nhà khoa học từ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore và Canada đã tới Vũ Hán.
Ngày 24-2, một nhóm chuyên gia gồm các thành viên của WHO, Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật châu Âu đã tới Ý, quốc gia trở thành tâm dịch tiếp theo sau Trung Quốc.
Ngày 11-3, WHO chính thức xác nhận COVID-19 là một đại dịch.
Tại thời điểm đó, theo WHO, 90% số ca bệnh COVID-19 được ghi nhận chỉ ở 4 quốc gia và 81 quốc gia chưa hề ghi nhận ca nhiễm nào, 57 nước có chưa tới 10 ca bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo về dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng - Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Trump chỉ trích WHO chống dịch không hiệu quả Theo báo New York Times, ngày 7-4, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump chỉ trích gay gắt Tổ chức Y tế thế giới đã không hành động đủ quyết liệt trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ông Trump cũng đe dọa sẽ cân nhắc về khoản đóng góp ngân sách của Mỹ với WHO. Tổng thống Mỹ từng vô cùng giận dữ khi WHO phát thông cáo bày tỏ việc họ không ủng hộ quyết định ngày 31-1 của ông Trump khi hạn chế việc đi lại từ Trung Quốc để phòng dịch bệnh. Ông Trump cáo buộc chuyện WHO đã "không thấy" khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. "Họ đã không thấy nó. Họ đã không thông báo về nó. Nếu họ thấy nó, chắc chắn là họ thấy nó, nhưng họ đã không báo cáo về nó", ông Trump cáo buộc WHO. Không chỉ Mỹ, Nhật và Đài Loan cũng chỉ trích WHO mạnh mẽ. Ở Nhật, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Tara Aso đá xéo WHO là "Tổ chức Y tế Trung Quốc" vì mối quan hệ bất thường với Bắc Kinh. Trong khi đó, Đài Loan thì cho rằng WHO đã phớt lờ cảnh báo của hòn đảo này vì Trung Quốc từ chối cho Đài Loan trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Ba lý do chính khiến WHO nhận gạch đá chỉ trích là: không gây sức ép lên Trung Quốc vì những sai lầm; Chậm chạp trong công bố đại dịch và Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO ngày càng tăng. |
Theo tuoitre