Người dân đeo khẩu trang rời khỏi đám tang của người bệnh đầu tiên chết vì COVID-19 ở vùng hạ Sahara châu Phi tại Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, hôm 18-3 - Ảnh: AFP

Theo báo Philstar, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới thúc giục châu lục này hãy "chuẩn bị ứng phó với tình huống tồi tệ nhất".

"Châu Phi nên tỉnh giấc", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ. Ông cũng chỉ ra rằng "tại nhiều nước khác chúng tôi đã chứng kiến virus thực sự tăng tốc ra sao sau một điểm bùng phát cụ thể".

Mặc dù châu Phi không có số lượng ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao như một số nước khác trên thế giới, song trong vài ngày qua, châu lục này cũng đã ghi nhận số ca bệnh mới tăng lên đáng kể.

Các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo về mức độ rủi ro cực lớn với châu lục này nếu đại dịch COVID-19 lan tới đây, bởi châu Phi vẫn đang có một hạ tầng y tế yếu kém. Bên cạnh đó là tình trạng nghèo đói, xung đột, môi trường vệ sinh kém và mức độ tập trung dân số cao tại các vùng đô thị.

Giới chức y tế tại bang Sahel, một bang nghèo của Burkina Fasso, ngày 18-3 cho biết số ca bệnh COVID-19 đã tăng thêm 7 người, lên tổng số 27 ca. Một trong số đó, bệnh nhân nữ 62 tuổi có bệnh tiểu đường, đã qua đời.

Đảng đối lập chính tại Burkina Faso là UPC cho biết người chết là một nghị sĩ của đảng này, bà Rose-Marie Compaore, cũng là phó chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Burkina Faso.

Trong khi đó, Nam Phi, nền kinh tế công nghiệp lớn nhất tại châu Phi, đã ghi nhận số ca bệnh mới tăng thêm 31, nâng tổng số người bệnh COVID-19 của nước này lên 116.

Quốc gia Zambia gần đó cũng đã ghi nhận 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, là cặp vợ chồng vừa đi du lịch ở Pháp 10 ngày trở về thủ đô Lusaka.

Theo thống kê của hãng tin AFP, tính tới 18-3, tổng số ca bệnh ở châu Phi đã vượt qua mốc 600 người. Trong đó 16 người đã chết, gồm 6 người ở Ai Cập, 6 người ở Algeria, 2 người ở Morocco, 1 người ở Sudan và 1 người ở Burkina Faso.

Những con số này còn tương đối nhỏ so với phần còn lại của thế giới khi trên toàn cầu, số ca nhiễm và số người chết đã lần lượt vượt qua những mốc mới là 210.000 và 8.800.

Tuy nhiên, tổng giám đốc WHO Tedros cảnh báo những số liệu chính thức, ví dụ vùng hạ châu Phi đã ghi nhận 233 ca nhiễm, chắc chắn chưa phản ánh đúng bức tranh tổng thể về thực tiễn dịch bệnh tại đây.

"Có thể chúng ta còn những ca bệnh chưa phát hiện hoặc những ca chưa được báo cáo", ông Tedros nói.

Theo tuoitre