WHO kêu gọi dừng tiêm vaccine mũi 3 ở nước giàu để giúp nước nghèo
Cập nhật lúc 21:28, Thứ năm, 05/08/2021 (GMT+7)
WHO kêu gọi dừng tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 3 cho đến ít nhất là cuối tháng 9 để giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân bổ liều lượng giữa các nước giàu và nghèo.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia và công ty kiểm soát việc cung cấp vaccine cần phải thay đổi việc phân bổ ngay lập tức, và ưu tiên những nước có thu nhập thấp hơn.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/8, ông Tedros nói ông hiểu lý do tại sao các quốc gia muốn bảo vệ công dân khỏi biến chủng Delta, theo AFP.
"Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia, vốn đã sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine toàn cầu, giờ lại sử dụng nhiều hơn nữa. Trong khi đó, những nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn không được bảo vệ”, ông nói.
"Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, từ việc phần lớn vaccine được chuyển đến các nước thu nhập cao, sang phần lớn vaccine chuyển đến các nước thu nhập thấp", tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi tạm dừng tiêm vaccine đến cuối tháng 9 để giải quyết tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia trước. Ảnh: New York Times.
Ở các quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào loại thu nhập cao, tỷ lệ mũi vaccine đã tiêm trên 100 người là 101/100.
Con số này giảm xuống còn 1,7/100 ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
"Theo đó, WHO đang kêu gọi tạm dừng tiêm vaccine cho đến ít nhất là cuối tháng 9", ông Tedros nói.
"Để làm được như vậy, chúng ta cần sự hợp tác của mọi người, đặc biệt là số ít quốc gia và công ty kiểm soát việc cung cấp vaccine toàn cầu", ông nói thêm, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất vaccine ưu tiên cung cấp cho cơ chế COVAX.
Trong vài tháng qua, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc liên tục phản đối tình trạng bất bình đẳng vaccine ngày càng hiện rõ giữa các nước giàu và nghèo.
Tháng trước, Israel bắt đầu triển khai tiêm một mũi vaccine nhắc lại cho người trên 60 tuổi. Trong khi Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm vaccine mũi thứ 3 của Pfizer-BioNTech và Moderna từ tháng 9.
WHO muốn mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% dân số thế giới được tiêm phòng vào cuối năm nay. Đến giữa năm 2022, WHO đặt mục tiêu con số này phải đạt 70%.
Theo Zing