Khẩu trang thành phẩm được đóng thùng và giao đến tay khách hàng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Việt - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho biết sau một thời gian đầu gặp khó khăn về thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp này đã được tạo thuận lợi xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn. Đến nay, doanh nghiệp này đã xuất vài trăm nghìn chiếc khẩu trang chất lượng cao sang các nước châu Âu như Đức, Ý và Hà Lan, đang xúc tiến các thủ tục để xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, cái khó là giá nguyên liệu đầu vào chưa ổn định do nhu cầu tăng đột biến. Ngoài ra, nhiều thị trường (châu Âu, Mỹ) chưa phân biệt được khẩu trang vải kháng khuẩn (có thể bán trong các siêu thị) với khẩu trang y tế (phải bán trong các nhà thuốc hoặc có chứng nhận của cơ quan y tế các nước). Do đó, dù có nhu cầu rất lớn về khẩu trang nhưng các thị trường này vẫn chưa "ăn hàng" nhiều.
Cũng theo ông Việt, điều đáng lo ngại là doanh nghiệp Việt chào bán sản phẩm với đa dạng chất lượng cùng giá cả "loạn xì ngầu", có thể khiến người tiêu dùng nước ngoài có cái nhìn không đúng về tiêu chuẩn hàng Việt, dễ mất đi cơ hội trong tương lai.
"Trong khi đó, khẩu trang vải chỉ là mặt hàng mang tính thời vụ để duy trì công ăn việc làm cho lao động ngành dệt may ở TP.HCM và các địa phương lân cận trong thời buổi khó khăn này", ông Việt nói.
Ông Trần Trung Quy - giám đốc Công ty TNHH dệt may Trung Quy - cho biết doanh nghiệpnày cũng đã sản xuất và xuất các lô khẩu trang vải kháng khuẩn đi Mỹ, châu Âu, Israel... Tuy nhiên, khẩu trang là mặt hàng đặc thù, phải có đơn hàng mới sản xuất, không thể làm đại trà. Hơn nữa, chỉ những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh mới đáp ứng những tiêu chí, chứng chỉ xuất khẩu của các nước tiêu thụ, chưa kể hàng Việt nam phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
"Đây là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất tốt nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro bởi chưa biết dịch khi nào kết thúc ở châu Âu. Sản xuất đại trà quy mô lớn rất dễ dư thừa bởi nhu cầu đột biến trong thời gian này chỉ mang tính mùa vụ" - ông Quy nói.
Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, sau khi đổ xô vào sản xuất, các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM hiện còn tồn kho khoảng 5 triệu khẩu trang kháng khuẩn do sức tiêu thụ hạn chế, nhiều siêu thị và các chuỗi nhà thuốc lớn hạn chế nhận hàng. Tuy vậy, ông Hồng hi vọng khi học sinh đi học trở lại sẽ giúp tiêu thụ được số khẩu trang đang còn tồn, không phải "giải cứu" khẩu trang.
Theo tuoitre