Trẻ em tại trại tị nạn al-Hol ở Hasakah, Syria, ngày 28/5/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 29/6, các quan chức Liên hợp quốc đã thông báo với Hội đồng Bảo an về tình hình người dân Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng leo thang, trong bối cảnh xung đột đã kéo dài 12 năm.
Đáp lại thông báo trên, vào chiều cùng ngày (giờ địa phương), Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định thông qua nghị quyết nhằm mở đường cho việc thành lập một tổ chức đầu tiên với nhiệm vụ giải quyết vấn đề khoảng 100.000 người vẫn mất tích do xung đột vũ trang tại quốc gia này.
Phó Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria, bà Najat Rochdi cho biết: “Bạo lực và sự đau khổ của người dân Syria đã nhắc nhở chúng ta về những gì đang bị đe dọa trong khi các nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp tục."
[EU, Đức và Mỹ viện trợ nhân đạo hơn 2,5 tỷ USD cho người dân Syria]
Bà khẳng định cần lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.
Theo bà Rochdi, các báo cáo gần đây đã theo dõi các cuộc tấn công chết người bằng máy bay không người lái, pháo kích, tấn công khủng bố và một loạt cuộc không kích.
Trong bối cảnh đó, người dân Syria phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, với tình trạng di dời ồ ạt, khủng hoảng kinh tế trầm trọng và nhiều người bị giam giữ và thậm chí mất tích.
Bà Rochdi nhấn mạnh tất cả những yếu tố trên cho thấy cần có cách tiếp cận ngoại giao mới, tạo ra các giải pháp thực sự nhằm đáp ứng những mối quan tâm trước mắt của người dân Syria, qua đó xây dựng niềm tin và sự tin tưởng giữa các bên trong quá trình tiến tới một giải pháp chính trị.
Bà Rochdi khẳng định nhu cầu của người dân Syria phải là trung tâm trong cách tiếp cận, đồng thời các hành động nhân đạo phải được phi chính trị hóa.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cũng nhắc lại lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Ông cho biết trải qua 12 năm xung đột vũ trang cùng với suy thoái kinh tế và các yếu tố khác đã đẩy 90% dân số nước này xuống dưới mức nghèo đói.
Chuyến thăm gần đây tới thủ đô Damascus đã giúp ông cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, cũng như những thách thức đồng thời là những cơ hội cấp bách mà Syria phải đối mặt.
Ông Griffiths nhận định, trong bối cảnh bạo lực đang diễn ra, giá lương thực tăng mạnh, quá trình phục hồi sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai và dịch tả lan rộng, cơ hội tốt nhất của cộng đồng nhân đạo nhằm cải thiện tương lai của người dân Syria là mở rộng hơn nữa các hoạt động giúp sớm phục hồi.
Ông Griffiths cũng kêu gọi thêm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, do các phương tiện trợ giúp của Liên hợp quốc và các đối tác hiện đang bị hạn chế./.
Theo TTXVN/Vietnam+