"Thẻ chấp thuận" là ý tưởng của chuyên gia tim mạch Fuminobu Ishikura, mẫu thẻ được đăng tải trên trang web của ông từ tháng 2. Theo ông, người già có thể sử dụng "thẻ" để khẳng định sự đồng ý để bác sĩ ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trẻ hơn, có cơ hội sống sót cao hơn.
"Một tháng trước, Italy và Tây Ban Nha có quá nhiều bệnh nhân. Lượng máy thở và thậm chí giường bệnh không đủ để điều trị. Vì vậy bác sĩ phải lựa chọn sẽ chữa bệnh cho ai", ông Ishikura nói.
Y bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới phải nhắc giữa việc điều trị cho người già, cần chăm sóc khẩn cấp nhưng có tỷ lệ khỏi bệnh thấp hơn; hay ưu tiên bệnh nhân trẻ, cơ hội sống sót cao.
"Đây là một quyết định rất khó khăn. 20 năm trước, tôi làm việc trong một phòng cấp cứu của bệnh viện và biết được những gì bác sĩ phải đối mặt. Các đồng nghiệp của tôi đang phải đưa ra lựa chọn sinh tử, và điều này khiến họ cảm thấy tổn thương", ông Ishikura nói.
Đề xuất về "thẻ chấp thuận" vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia và hội đồng y đức. Ngày 23/4, Hiệp hội các bậc phụ huynh có con bị Down cho rằng ý tưởng của ông Ishikura có thể khiến người khuyết tật chịu thiệt thòi và không được điều trị một cách thích hợp.
Hiệp hội lo ngại một khi bác sĩ có quyền lựa chọn bệnh nhân, họ sẽ dễ dàng bỏ qua những người "yếu thế" trong xã hội. Tuyên bố của hiệ hội cho rằng thay vì phải chọn ai để ưu tiên điều trị, chính phủ cần cải thiện và mở rộng các cơ sở y tế, bởi "cuộc sống của những người khuyết tật không nên bị coi nhẹ".
Ý tưởng của bác sĩ Ishikura cũng tạo ra một cuộc tranh luận trên diễn đàn trực tuyến.
"Tất cả mạng sống đều có giá trị. Việc điều trị cho bệnh nhân nào trước nên được quyết định một cách khách quan, chứ không phải tính toán chủ quan rằng cuộc sống của ai quý giá hơn", tờ Japan Times viết.
"Có thể nhiều người cho rằng điều này là hoàn toàn tự nguyện, nhưng áp lực từ xã hội sẽ khiến người già cảm thấy bắt buộc mang loại thẻ này bên mình, dù muốn hay không".
Tuy nhiên cũng có nhiều người ủng hộ ý tưởng của bác sĩ Ishikura.
"Tất cả các nguồn lực, dù ở dạng nào, đều có giới hạn. Chẳng có cách nào khiến chúng trở nên vô hạn cả. Bác sĩ biết rõ điều đó. Không muốn đưa ra quyết định khó khăn chỉ là sự tránh né tạm thời. Cần giải quyết vấn đề khi chúng ta đều biết rằng không thể có kết quả lý tưởng trong mọi trường hợp", một thành viên của diễn đàn viết.
Trên thực tế, Nhật Bản ghi nhận dưới 17.000 trường hợp dương tính nCoV và 744 người chết. Hệ thống y tế chưa thể coi là bị quá tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về làn sóng thứ hai của đại dịch. Nếu điều này thật sự xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề đối với một quốc gia chỉ có 5 giường chăm sóc đặc biệt trên 10.000 người. Kịch bản từng xảy ra với Italy, quốc gia ghi nhận 32.000 người chết và hơn 225.000 ca nhiễm nCoV.
Theo vnexpress