leftcenterrightdel
 Từ đầu năm đến nay, lượng lao động sang Nhật qua Công ty LETCO gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập giảm 4-8 triệu đồng/tháng vì yên rớt giá

Đồng yên Nhật đã mất giá mạnh từ tháng 3/2022 tới nay và đã mất giá tới gần 20% kể từ đầu năm tới nay và hiện ở mức mất giá mạnh nhất trong vòng 24 năm qua do Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có gần 500.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Việc yen Nhật mất giá mạnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của lực lượng lao động này.

Chị Nguyễn Thùy Trang, công nhân chế biến thủy sản tại Hokkaido (Nhật Bản), quê tại Nghệ An cho hay, mức lương hiện tại của chị là 150.000 yên/tháng. Tính theo tỷ giá JPY/VND, đầu năm ngoái mức lương của chị tương đương hơn 33 triệu đồng/tháng, nhưng theo tỷ giá hiện tại, mức lương của chị chỉ còn tương đương 26 triệu đồng/tháng, giảm 7 triệu đồng/tháng.

Nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước tăng nhanh sau dịch bệnh là cơ hội thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.

Với tình hình hiện tại, việc thực hiện kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Trong 6 tháng cuối năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động; trao đổi, đàm phán, ký kết hiệp định, thoả thuận hợp tác lao động song phương với các nước…

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

“Nhiều bạn bè khuyên giữ yên trong tài khoản, khi nào tỷ giá tăng thì gửi về Việt Nam để quy đổi sang tiền Việt, nhưng tôi phải gửi về luôn để trả nợ, nên chấp nhận thiệt thòi”, chị Trang cho biết.

Sau giai đoạn đóng cửa vì dịch bệnh, từ tháng 3/2022 đến nay, thị trường Nhật Bản mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, nhu cầu tuyển dụng của thị trường Nhật phục hồi rất tốt, trong khi hồ sơ tồn của 2 năm Covid-19 vừa qua sắp hết. Tuy vậy, nhiều lao động tỏ ra băn khoăn vì yên Nhật sụt giảm khiến mức lương của người lao động không còn cao như trước.

Trong khi đó, ở trong nước, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng rất cao, tình trạng thiếu lao động diễn ra tại nhiều địa phương. Chính vì vậy, mặc dù đơn hàng xuất khẩu lao động sang Nhật tăng mạnh, song nhiều lao động còn ngần ngừ.

Ông Bùi Kim Sơn, Giám đốc Công ty LETCO cho hay, xuất khẩu lao động tại Nhật đang dần ổn định trở lại. Hiện số lao động tồn của Công ty giai đoạn trước năm 2022 còn rất ít, dự kiến hết tháng 7/2022 là giải quyết xong. Công ty đang tăng cường tuyển mới để đáp ứng các đơn hàng từ nước bạn. Tuy vậy, theo ông Sơn, tỷ giá yên Nhật giảm là một trong những yếu tố khiến nhiều lao động băn khoăn.

Nhật Bản vẫn là thị trường lao động hấp dẫn

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sau một thời gian đóng cửa vì Covid-19, các thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Trong đó, Nhật Bản chiếm 62%, Đài Loan chiếm 30%, Hàn Quốc 2,3%...

Mặc dù yên Nhật sụt giảm, song các doanh nghiệp cho rằng, Nhật Bản vẫn là thị trường lao động hấp dẫn với lao động Việt Nam.

Ông Bùi Kim Sơn cho hay, hiện nay, lương tối thiểu của người lao động tại Nhật Bản là 120.000 yên/tháng (tương đương 20 triệu đồng/tháng), chưa bao gồm tăng ca. Tuy nhiên, đa phần các chủ sử dụng lao động đều trả lương 140.000 - 170.000 yên/tháng (25-30 triệu đồng/tháng) để dễ tuyển dụng. Đặc biệt, với công nhân làm nghề xây dựng, mức lương có thể lên tới 18.000 - 20.000 yên/tháng (20-35 triệu đồng/tháng).

“Mặc dù yên Nhật đang mất giá, nhưng mức lương cho người lao động vẫn hấp dẫn. Hơn nữa, các công ty Nhật luôn bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động tốt nhất của Việt Nam thời điểm hiện tại. Từ đầu năm đến nay, lượng lao động sang Nhật tại LETCO đã gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái”, ông Sơn cho hay.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc, lao động Việt đang làm việc tại Osaka, hiện nay, thu nhập của lao động Việt Nam sau khi trừ hết chi phí tại Nhật dao động ở mức 15-25 triệu đồng, tùy từng ngành nghề. Mức lương này vẫn tương đối tốt so với làm công nhân ở Việt Nam, kể cả khi tỷ giá giảm. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với lao động muốn xuất khẩu sang Nhật làm việc là chi phí khá cao và thời gian đào tạo dài, thường kéo dài 6 tháng.

“Nhiều người lo lắng yên Nhật xuống giá, nên không muốn sang Nhật thời điểm này, nhưng theo tôi, đây là thời điểm ít cạnh tranh, tỷ lệ chọi thấp, dễ trúng đơn hàng”, chị Ngọc đưa ra lời khuyên.

Được biết, hiện nay, chi phí đi Nhật của mỗi lao động khoảng 100 - 140 triệu đồng, tùy từng công ty. Ông Bùi Kim Sơn cho hay, chi phí đi Nhật gồm chi phí dịch vụ mà doanh nghiệp được thu theo luật định (tại LETCO là 54 triệu đồng) và chi phí đào tạo trong 6 tháng (phí đào tạo, dịch vụ ăn ở) trung bình 6 triệu đồng/tháng/lao động.

Mặc dù chi phí khá cao, thời gian đào tạo dài, song các doanh nghiệp cho hay, ưu điểm của xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật là có đơn hàng rồi mới đào tạo, nên tỷ lệ xuất cảnh thường lên tới 100%. Còn với trường hợp đào tạo chờ để tuyển dụng, thì tỷ lệ xuất cảnh cũng lên tới 85-90% do thị trường đang phục hồi tốt.

Theo ước tính của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, mặc dù tỷ giá yên Nhật giảm, song đây vẫn là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất của lao động Việt Nam. Chính vì vậy, năm nay, ước tính xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh, mức thấp nhất cũng gấp 2,5 lần năm ngoái.

Theo baodautu