Nguyễn Cẩm Bình Minh và Nguyễn Cẩm Kiều Khanh (trái)

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng hai nữ sinh THPT Nguyễn Cẩm Bình Minh và Nguyễn Cẩm Kiều Khanh đã ý thức rất rõ những mối nguy hại do việc sử dụng túi nylon tràn lan gây ra. Không chỉ là loại rác phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy được, sự tồn tại của túi nylon còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.
Hiện nay, một số nơi đã sử dụng sản phẩm thay thế như túi giấy, túi tái chế hay màng polyme có khả năng phân hủy, thân thiện với môi trường, nhưng những sản phẩm này có nhược điểm là giá thành cao, quá trình sản xuất phức tạp. Do đó, những loại túi này chưa phải là lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng.

Từ thực tế trên, Bình Minh và Kiều Khanh đã nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm sáng tạo Túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy thay thế túi nilon. Hai bạn trẻ cho biết: Ý tưởng chế tạo túi sinh học ra đời với mục đích hạn chế tình trạng sử dụng túi nilon trong đời sống. Túi sinh học không chỉ có khả năng tự phân hủy mà còn có khả năng kháng khuẩn, không gây độc hại cho môi trường, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài những ưu điểm trên, túi sinh học còn khắc phục được nhược điểm về giá thành, bởi túi có giá bán gần như tương đương với túi nilon.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của ban giám hiệu, đoàn thanh niên và đặc biệt là giáo viên hướng dẫn, Bình Minh và Kiều Khanh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu các kiến thức chuyên ngành và nghiên cứu được tỷ lệ nguyên liệu phù hợp để chế tạo ra túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy. Hai tác giả sản phẩm sáng tạo cho biết: Tinh bột sắn và dung dịch nano Bạc, polyvinylancol (PVA) là những nguyên liệu chính để tạo thành túi sinh học có khả năng kháng khuẩn và phân hủy.
Kết quả so sánh túi sinh học và túi nylon cho thấy: 

- Về khả năng phân hủy và thời gian phân hủy: túi nylon phải mất 500 năm, thậm chí là không phân hủy được. Túi sinh học có khả năng phân hủy và thời gian phân hủy từ 20 ngày đến 1 tháng.

- Về khả năng kháng khuẩn: túi nylon không có khả năng kháng khuẩn. Túi sinh học có thành phần nano bạc nên có khả năng kháng khuẩn.

- Về sức bền: tác giả đã thí nghiệm cho cùng một lượng đá vào 2 chiếc túi và theo dõi trong thời gian dài cho thấy hai chiếc túi có độ bền tương đương nhau.

- Về giá bán: túi nylon có giá 300 đồng/chiếc, túi sinh học có giá 400 đồng/chiếc.

Với những ưu điểm của Túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy, hai tác giả Nguyễn Cẩm Bình Minh và Nguyễn Cẩm Kiều Khanh tin tưởng loại túi này có thể thay thế túi nilon. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất túi sinh học đơn giản, dễ thực hiện nên có thể nhân rộng, ứng dụng dây chuyền sản xuất để tạo ra được nhiều sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm Túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy thay thế túi nylon là một trong 24 sản phẩm được khen tại Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017.

Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10.


                                                                                                             Theo Phunuvietnam.vn