Nguyễn Thị Nhường cho biết, cô khởi nghiệp vào năm 2016, khi đó cô đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Y Dược TP.HCM. Cô đã quyết định từ bỏ việc trình đề tài tốt nghiệp đại học mà chú tâm vào sáng tác mẫu và sản xuất đồ lót không gọng. Nhiều thách thức đã đặt ra với Nhường lúc đó.
Thứ nhất là sự phản đối của người thân, bởi bố mẹ đã rất kì vọng cô trở thành một nhân viên y tế với công việc ổn định, có lương hưu khi về già. Nhưng Nhường vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mình chọn. Thay vì đòi hỏi sự công nhận và ủng hộ từ mọi người, cô học cách thấu cảm và biến nó thành sức mạnh cho chính mình. "Có người phản đối vì họ dựa vào niềm tin của chính họ. Họ tin rằng nếu lựa chọn như tôi, họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội mà họ khao khát có được", Nhường chia sẻ.
Thứ hai là việc không tiền, không có chuyên môn và nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực mà cô chọn để khởi nghiệp. Hành trình khởi nghiệp của Nhường bắt đầu bằng con số 0 tròn trĩnh, ngoài một khao khát và niềm tin cháy bỏng. "Ai cũng nói rằng, muốn khởi nghiệp cần tiền, nếu không có tiền thì cần mối quan hệ, hoặc không có hai thứ đó thì phải có chuyên môn thật giỏi. Thật không may cả 3 thứ đó tôi đều không có", nhà sáng lập thương hiệu đồ lót không gọng LOC bộc bạch.
|
|
Chị Nguyễn Thị Nhường chia sẻ: "Khách hàng là người cho chúng ta biết cách làm tốt hơn" |
Từ bé, Nhường đã tự lập và luôn kiên định với suy nghĩ, tự đứng trên đôi chân của mình. Không có tiền, không có mối quan hệ, không có chuyên môn nhưng cái cô có là tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng thu nạp kiến thức mới, một khao khát vươn lên cháy bỏng.
Nhường cho biết: "Tôi đã khởi nghiệp bằng cách tự tay tạo ra sản phẩm mà mình tưởng tượng. Cụ thể là tôi đã may chiếc áo ngực đầu tiên bằng kim chỉ đi mượn của chị cùng phòng và tấm vải cắt ra từ chiếc váy voan bị rách. "Hoàn thành hơn hoàn hảo" là một nguyên tắc tôi theo đuổi suốt 6 năm khởi nghiệp. Đó là nguyên tắc giúp tôi không cần chờ đợi đến lúc mình có tiền, có mối quan hệ, có chuyên môn giỏi mới lập nghiệp".
Cô bắt đầu bán sản phẩm của mình ngay từ những ngày đầu tiên với suy nghĩ, khách hàng sẽ là người cho chúng ta biết cách làm tốt hơn. Nếu chưa có ai mua, hãy hỏi vì sao khách hàng không mua. Nếu khách hàng mua rồi, xin hãy có ý kiến phản hồi liên tục. Khi nhận được phản hồi, người sản xuất hãy cảm ơn khách hàng và cải tiến ngay lập tức cho đến lúc khách hàng thấy xứng đáng. "Tôi đã tạo ra những sản phẩm đầu tiên bằng cách nhận tiền cọc của khách hàng đi mua nguyên phụ liệu, máy móc, tạo ra sản phẩm và trả hàng cho khách. Tôi đã cùng khách hàng hoàn thiện sản phẩm cho đến lúc họ hài lòng và trả số tiền còn lại", Nhường tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Nhường có nhiều hạn chế, hạn chế đầu tiên đó chính là cách dùng tiền. Vì vậy, cô học kỹ năng sử dụng và quản lý tài chính. Sau này, khi quy mô sản xuất được mở rộng, cô giao việc cho một người có chuyên môn.
"Khởi nghiệp trái ngành được đào tạo, tôi không bị giới hạn bởi những nguyên tắc trong ngành mà được tự do sáng tạo và hiện thực hóa nó", Nhường chia sẻ thêm. Đơn cử, Nhường đã vận dụng kiến thức y khoa vào thiết kế sản phẩm của LOC, cúp áo được thiết kế dựa vào giải phẫu vòng 1, giúp sản phẩm an toàn, nuôi dưỡng dây chằng ngực góp phần tái tạo vòng 1 trẻ khoẻ tự nhiên. Cô vận dụng kiến thức tâm thần học vào cách truyền thông về sản phẩm.
Khi khởi nghiệp trái ngành, Nhường luôn ở tâm thế "tôi có thể sai". Tâm thế đó đã giúp Nhường dễ dàng đón nhận mọi ý kiến và sự đóng góp, dễ dàng sửa sai và sẵn sàng thử nghiệm để nâng cấp sản phẩm cũng như dịch vụ của mình.
Hoàng Duy