Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG



Tình yêu chắp cánh thành công

Có dịp trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Nga vào ngày đầu tháng 4, khi cá nhân bà nói riêng và BRG nói chung đang bận rộn chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt sân golf Kings Island tại Đồng Mô, tôi mới hiểu lý do vì sao người phụ nữ này lại thành công với môn thể thao đó đến vậy.

Biết đến golf từ những ngày đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam (năm 1994-1995), nhưng bà Nga thừa nhận, phải mất vài năm quan sát, bà mới “dũng cảm” đầu tư vào lĩnh vực này. Nói là dũng cảm vì thời điểm năm 1999, ở Việt Nam mới có khoảng 1.500 người chơi golf. Các sân golf chỉ xuất hiện lác đác tại một số địa phương phía Nam như Sông Bé, Thủ Đức, Đồng Nai và miền Bắc có duy nhất sân golf Kings Island hoạt động.

Sau 9 năm vận hành Kings Island thua lỗ, nhà đầu tư nước ngoài đã ngỏ ý muốn chuyển nhượng lại quyền sở hữu cho một đối tác khác. Nhìn nhận đây là một cơ hội, bà Nga - lúc đó là một người hoàn toàn ngoại đạo với golf, bằng sự hứng thú với lĩnh vực đầu tư mới và sự nhanh nhạy của một người làm kinh doanh, đã nhanh chóng đàm phán và mua lại quyền sở hữu sân golf này.

Chia sẻ về quyết định được coi là bước ngoặt quan trọng này, bà Nga hào hứng cho biết: “Tôi tìm đến với golf xuất phát từ tình yêu kinh doanh và mong muốn mang đến cho  mọi người cảm giác vui vẻ và hạnh phúc hơn. Tôi thấy golf là một môi trường thể thao, nhưng cũng rất sinh thái bởi có sự kết hợp nhiều yếu tố thiên nhiên trong đó”.

Sau khi tiếp quản sân golf Đồng Mô, bà Nga bắt đầu xây dựng hạ tầng và nâng cấp lại sân Lakeside đã có sẵn. Đồng thời, bà mời Công ty Pacific Coast Design của Australia thiết kế thêm sân golf Mountain View theo tiêu chuẩn 5 sao. “Gặp nhà thiết kế, tôi đã nói rằng, ông hãy thiết kế cho chúng tôi một sân golf tiêu chuẩn 5 sao, dù thực chất lúc đó tôi cũng chưa hiểu tiêu chuẩn 5 sao của sân golf là như thế nào. Tôi chỉ kỳ vọng có một sân golf thật đẹp ở miền Bắc để phục vụ các nhà ngoại giao, các nhà du lịch, các golf thủ đam mê môn thể thao này”, bà Nga bộc bạch.

Từ những mong muốn đơn giản ban đầu, càng bắt tay vào làm, tình yêu của bà Nga dành cho môn thể thao này càng lớn dần theo năm tháng. Dưới sự tiếp quản của bà Nga và BRG, Đồng Mô từ một sân 18 hố là Lakeside, đã có thêm Mountain View đạt tiêu chuẩn tổ chức các cuộc thi chuyên nghiệp quốc tế và gần đây nhất là Kings Course do chính con trai cả của huyền thoại Jack Nicklaus thiết kế.

Sau gần 20 năm đồng hành và trưởng thành cùng golf Việt Nam, bên cạnh niềm tự hào Kings Island với Lakeside, Mountainview và Kings Course, danh mục các sản phẩm golf đẳng cấp của BRG còn có sân đi bộ tốt nhất Việt Nam Ruby Tree (Hải Phòng), sân twin green độc đáo Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội) do Công ty Nicklaus Design của huyền thoại golf số một thế giới Jack Nicklaus thiết kế, BRG Da Nang Golf Resort với thiết kế của huyền thoại golf số 2 thế giới Greg Norman và sân mới được khai trương gần đây mang phong sách bờ kè đầu tiên tại châu Á cũng được Nicklaus Design thiết kế.

20 năm không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng lại là một hành trình bền bỉ với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Nga để tạo nên vị thế cho những sân golf của BRG như hôm nay. Như bà Nga từng tâm sự, golf vừa là công việc, vừa là niềm vui của bà. Bà nghĩ đến golf ngay cả trong lúc đi ngủ và luôn khát khao chứng tỏ Việt Nam cũng có những sân golf đẳng cấp không hề thua kém các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Người đóng góp thầm lặng

Không nói nhiều về những gì mình đã làm được, nhưng bà Nguyễn Thị Nga lại thường nhắc đến lần ghé thăm viện bảo tàng của Jack Nicklaus khi tới Ohio (Mỹ) ký hợp đồng thiết kế sân Legend Hill với công ty của ông. Tại đây, bà đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam được gắn đúng tọa độ địa lý trên tấm bản đồ golf của Nicklaus.  

Từ niềm tự hào, bà muốn được đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của môn thể thao golf ở Việt Nam. Với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, bà Nga khẳng định, ngành công nghiệp golf ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh và thực sự có nhiều tiềm năng để đạt được kết quả cao hơn nữa.

“Một khách du lịch bình thường khi tới Việt Nam chỉ tiêu khoảng 25-30 USD/ngày, trong khi mức chi tiêu của khách du lịch golf lại lên tới 400 USD/ngày. Nếu như gia tăng được số lượng người chơi, chúng ta sẽ thu hút được một lượng ngoại tệ lớn cho ngành công nghiệp không khói này”, bà Nga vui vẻ cho biết.

Theo bà, để làm được điều đó, bản thân BRG nói riêng và các nhà đầu tư golf tại Việt Nam nói chung cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cấp dịch vụ, đồng thời tạo ra những sân golf tiêu chuẩn quốc tế để mang đến cho người chơi những trải nghiệm tốt nhất.

Với những nỗ lực không ngừng của bà Nga, các sân golf thuộc sở hữu BRG ngày càng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Trung bình, lượng khách nước ngoài trên các sân của BRG luôn chiếm trên 60%, còn lại 40% là khách Việt. Lượng khách này đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách thuế của Nhà nước và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động tại các địa phương.

“Chúng tôi đào tạo nhân viên, dạy tiếng Anh cho họ, huấn luyện họ biết về luật golf quốc tế. Nhiều bạn đã có thể giao tiếp với các golf thủ bằng tiếng Anh và tự học thêm cả tiếng Hàn, tiếng Nhật. Bởi vậy, nhiều khách Nhật Bản đã rất thích thú và có những người còn chơi liên tục từ 5h30 sáng đến 6h tối. Đây là kỷ lục rất đáng ghi nhận đã từng được xác lập ở Kings Island”, bà Nga nói.

Đối với những người phát triển môn thể thao golf như bà Nga, thì thành công thực sự chính là sự ghi nhận từ phía những vị khách. Bà từng chia sẻ với báo chí rằng, bà cảm thấy vui nhất khi nhận được những cái bắt tay và lời cảm ơn từ những người chơi.

“Nhiều bạn bè từng hỏi tôi tại sao không đi chơi, hưởng thụ cuộc sống, làm nhiều thế để làm gì, nhưng tôi không cho phép mình được nghỉ. Tạo ra được nhiều việc làm, đóng góp được nhiều cho xã hội, nộp nhiều thuế cho ngân sách quốc gia… giờ đây đã trở thành niềm hạnh phúc của những doanh nhân thế hệ chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Nga bộc bạch.

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nga

Có thể nói, bà đã góp phần nâng tầm hình ảnh của golf Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Là một người đã gắn bó nhiều năm với golf, trên cương vị của một người chơi và một doanh nhân thành đạt, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của golf Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Tôi nghĩ rằng, thời gian vừa qua, môn golf của chúng ta đã phát triển mạnh. Dù chỉ có 40 sân, nhưng chúng ta đã được các nước có môn thể thao golf trên thế giới và khu vực đánh giá là ngôi sao đang lên. Thành thật thì tôi cũng đã hết sức nỗ lực để có những đóng góp không nhỏ và tôi cũng vui về điều đó. Trong năm 2017, Việt Nam đã giành giải quán quân là “điểm đến du lịch golf tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương” trước các đối thủ nặng ký như Thái Lan hoặc Indonesia. Đây cũng là một thành công của môi trường golf tại Việt Nam.

Đâu là yếu tố mang lại vinh quang này cho golf Việt Nam?

Mặc dù vị trí làm sân golf là những vùng khô cằn không trồng lúa hoặc hoa màu, phải theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhưng các nhà đầu tư golf Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh dạn đầu tư golf ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn mời được những người danh giá nhất, nhì thế giới về ngành golf để thiết kế sân. Đó là một hình thức không cần phải quảng cáo nhiều, nhưng vì họ quá nổi tiếng và có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Nếu môi trường golf phát triển mạnh hơn nữa, thì có thể đưa phổ cập vào các trường học cho các em thiếu nhi. Một thời điểm nào đấy, chúng ta sẽ tiến đến việc có thêm nhiều sân golf hơn nữa, trong đó có những sân golf công cộng tương tự như công viên, là nơi mọi người đến vui chơi như một số nước trên thế giới. Lúc đó, ngành công nghiệp golf sẽ phát triển mạnh hơn, thu hút thêm nhiều người chơi hơn và đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách thuế của Nhà nước.

Bà vừa nhắc đến công nghiệp golf, nghĩa là kết hợp giữa chơi golf - nghỉ dưỡng - khách sạn và resort. Theo bà, ngành công nghiệp golf Việt Nam hiện phát triển đến mức nào?

Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã phát triển được ở tầm khu vực vì đã có sẵn những sân golf tốt, câu lạc bộ tốt và lực lượng tốt. Có thể những năm tiếp theo, sẽ còn nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư sân golf. Tôi cũng như các đồng nghiệp golf trong khu vực đều đánh giá rằng, Việt Nam là ngôi sao đang lên của ngành công nghiệp golf. Đặc biệt, trong Hội nghị Thượng đỉnh golf châu Á - Thái Bình Dương 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, những nhà đầu tư, chủ sân golf và những người làm golf chuyên nghiệp tại 21 quốc gia đã khẳng định, chúng ta đang phát triển đúng hướng và đã ở tầm khu vực.

Với thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ của mình, Tập đoàn BRG đang dần dần hình thành các chuỗi cung cấp dịch vụ để có thể phục vụ tốt hơn các khách hàng của ngành công nghiệp này. Chúng tôi đã có Sheraton Grand Đà Nẵng Resort, resort đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mang thương hiệu cao cấp nhất Sheraton Grand của Tập đoàn Marriott, nằm ngay sát sân golf BRG Da Nang Golf Resort, tạo ra lợi thế không thể tốt hơn cho gói dịch vụ du lịch golf kết hợp giữa chơi golf và nghỉ dưỡng.

Đó là những lợi ích mà ngành công nghiệp golf đã mang đến cho BRG. Vậy còn golf Việt Nam nói chung và những người chơi golf Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi thế nào khi mà ngành công nghiệp golf Việt Nam phát triển trong thời gian tới?

Nếu như có nhiều sân golf nữa ra đời, chi phí thuê đất thấp hơn, thuế giảm đi, thì chắc chắn, chúng ta sẽ thu hút được nhiều golf thủ. Khi chi phí cho một vòng chơi giảm đi, thì người chơi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Bà kỳ vọng thế nào về sự phát triển của golf Việt Nam trong thời gian tới?

Chúng ta được đánh giá như một ngôi sao đang lên, nên golf Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo Báo Đầu tư