leftcenterrightdel
 Chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc HTX mây tre đan Thủy Tuyết

"Giải Đặc biệt Vòng chung kết cấp Vùng khu vực miền Bắc và giải Nhất Chung kết Toàn quốc Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 đã tiếp thêm động lực cho tôi mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, phát triển hợp tác xã vững mạnh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương", chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc HTX mây tre đan Thủy Tuyết (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), cho biết.

Là người con đời thứ 3 theo nghề, đến nay đã hơn 27 năm, chị Thủy mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc Khmer tại địa phương. 

Nhiều năm qua, chị Thủy đã gắn bó, truyền cảm hứng và khơi dậy sức sống mới cho làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân. Từng bước, chị chuyển từ việc thu mua sản phẩm từ làng nghề cho bà con sang việc hướng dẫn, gợi mở và trực tiếp chỉ dạy những cách thức làm ra sản phẩm thiên về du lịch, trang trí, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con trong làng nghề. 

Đây cũng là nội dung chính trong dự án khôi phục làng nghề truyền thống của chị Thủy được chọn vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023.

Chị Thủy cho biết: "Để giành được những giải thưởng cao nhất từ cuộc thi cấp Vùng và cấp toàn quốc, dự án của tôi đã đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe. Đó là: Tiêu chí tập thể - HTX do phụ nữ làm chủ; sản phẩm mang tính chất truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có tính lưu truyền kế thừa qua nhiều thế hệ; 

giải quyết công ăn việc làm cho lao động, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương và các vùng lân cận; sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đã xuất khẩu 5 nước châu Âu và thân thiện, bảo vệ môi trường".

Tiếp động lực cho phụ nữ khởi nghiệp

Chị Thủy chia sẻ: "Cuộc thi đã tiếp thêm động lực cho tôi cố gắng hơn nữa trên chặng đường khởi nghiệp của mình. Qua Cuộc thi, hợp tác xã của tôi được nhiều người biết tới hơn. Chúng tôi vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn trung ương đến thăm và làm việc, nhờ đó công việc thuận lợi hơn. 

Các cấp Hội phụ nữ từ Hội LHPN xã, huyện đến cấp TƯ đã tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn nâng cao để hỗ trợ cho công việc, tạo điều kiện dạy nghề, nâng cao tay nghề cho xã viên, hỗ trợ bán hàng trên trang thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN cũng kết nối, giới thiệu chúng tôi với các kênh truyền thông uy tín để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của HTX.

Hiện tại, HTX mây tre đan Thủy Tuyết đã có trên 700 sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như rổ, rá, mê bồ, nơm, lồng bàn, nôi, bàn ghế…, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống với phiên bản thu nhỏ dùng để trang trí rất được khách hàng ưa chuộng và hiện có mặt tại thị trường châu Âu.

Điều tôi vui và hạnh phúc là liên kết tạo công ăn việc làm cho hơn 137 hộ gia đình, giúp chị em hội viên phụ nữ trong xã và vùng lân cận có thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 - 5 triệu đồng.

Giải thưởng từ cuộc thi cũng là bàn đạp để tôi mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngoài sản xuất, tôi mở thêm các lớp trải nghiệm nghề mây tre đan truyền thống cho các bạn trẻ, tiến tới là phát triển du lịch cộng đồng quảng bá du lịch trên mảnh đất Sóc Trăng, để du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề mây tre đan truyền thống, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Tôi đã chứng minh được những ấp ủ của chị em phụ nữ dân tộc chúng tôi: Những gì người đàn ông làm được, phụ nữ cũng làm được.

Trước thềm chung kết toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024, tôi muốn gửi gắm tới chị em phụ nữ khởi nghiệp: Nếu có ý tưởng, có kế hoạch, bạn nên thực hiện; nếu không làm thì ý tưởng, kế hoạch có cũng như không. 

Khởi nghiệp là một hành trình dài để người phụ nữ có thể khẳng định tiếng nói, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội!".

Trần Lê