Xoài được biết đến là loại trái cây có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Thịt xoài dùng làm bánh tráng, mứt, sấy dẻo cho giá trị kinh tế cao. Vỏ và hột xoài thường là phế phẩm bị bỏ đi. Nhưng với nhóm sinh viên của Trường ĐH Trà Vinh, vỏ xoài có thể làm chất liệu da, tạo thành bóp đựng tiền, các mẫu ví nam nữ, móc khóa, bao kính…
Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết những sản phẩm này phù hợp với xu hướng sống xanh, bền vững, hạn chế sử dụng các sản phẩm da có nguồn gốc động vật. Việc tận dụng vỏ xoài còn giúp nâng cao giá trị kinh tế của người nông dân.
Chia sẻ về ý tưởng làm chất liệu da từ vỏ xoài, Thanh Vân kể lại: "Năm 2022, nhóm có dịp đến các nhà vườn ở Trà Vinh, nghe người dân than xoài rớt giá, muốn đốn bỏ trồng cây khác. Mình thấy bản thân phải làm gì đó để "giải cứu" trái xoài. Trong quá trình tìm hiểu, mình biết được vỏ nhiều loại trái cây có thể làm thành chất liệu da, trong khi ở VN ý tưởng này còn khá mới mẻ. Mình bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm làm da từ vỏ xoài".
Thời gian đầu, do không có thiết bị, dụng cụ, nhóm sinh viên làm kiểu "cây nhà lá vườn", xử lý vỏ xoài bằng cách phơi khô ngoài nắng. Tuy nhiên, chỉ ít ngày nguyên liệu đã biến dạng và ẩm mốc. Thấy vậy, Vân cùng các bạn liên hệ nhà trường mượn phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu.
Theo Vân, để làm được miếng da hoàn chỉnh, phải trải qua các công đoạn chính như: thu gom, rửa vỏ xoài, loại bỏ tạp chất, tách nước, sấy nóng, ép và tạo hình sản phẩm da.
Điều thú vị là sản phẩm da hoàn toàn có màu tự nhiên từ vỏ xoài mà không cần thêm phẩm màu khác. Ngoài ra, trong quá trình sấy, màu sắc của sản phẩm da cũng thay đổi tùy theo nhiệt độ và thời gian sấy.
Thanh Vân chia sẻ: "Mong muốn của nhóm em là sẽ biến ý tưởng này thành hiện thực, tập trung sản xuất da từ vỏ xoài bán cho doanh nghiệp sản xuất đồ dùng, thời trang. Bên cạnh đó, em cũng có thể nhận làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng".
Thạc sĩ Huỳnh Hồng Mai, Phó giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận xét: "Vỏ xoài tưởng chừng như bỏ đi, giờ đây có thể chế biến thành chất liệu da, sử dụng trong đời sống hằng ngày. Tôi đánh giá đây là dự án mang đầy tính nhân văn".
Thạc sĩ Huỳnh Hồng Mai cho biết sẽ tư vấn thêm để nhóm sinh viên tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời kết nối người nông dân trồng xoài, cơ sở chế biến thịt xoài và người làm da từ vỏ xoài, các kênh tiêu dùng… để phân phối và giới thiệu sản phẩm này ra thị trường.
Theo Thanh niên