Thanh Thảo cho biết, trái hồng còn được gọi là siêu trái cây, vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, hồng trồng tại D’ran được canh tác theo phương pháp tự nhiên, an toàn cho người sử dụng. Nhưng vào chính vụ, giá bán trái hồng liên tục chạm đáy. Có những khi, giá chỉ có 2 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng một ký.
Nhìn những trái hồng đặc sản D’ran, ngon, lành là thế mà giá bán ra chưa tương xứng. Cứ được mùa, mất giá thì bà con lại chặt bỏ hồng chuyển sang trồng rau, Huỳnh Thanh Thảo đã dành thời gian nghiên cứu, học hỏi các phương pháp chế biến hồng tươi thành hồng khô, để bảo quản được trong thời gian lâu hơn, mang đến nguồn lợi kinh tế lớn hơn cho người dân vùng đất trồng hồng.
Gia tăng giá trị cho sản phẩm
Bắt đầu làm quen với công nghệ sấy hồng cách đây 2 năm, đầu tiên, Huỳnh Thị Thanh Thảo thử nghiệm theo phương pháp sấy truyền thống mang lại doanh thu khoảng 150 triệu đồng/năm, tạo được công ăn, việc làm cho 5 lao động là phụ nữ tại địa phương.
Bước sang năm thứ 2, Thảo biết đến công nghệ sấy treo Nhật Bản, mày mò nghiên cứu và áp dụng vào cơ sở sản xuất của mình. Với công nghệ sấy này, trái hồng sau khi thu hái sẽ được gọt sạch vỏ, vệ sinh tiệt trùng, sấy qua trong lò công nghiệp, sau đó được treo trước gió cho khô lại. Trái hồng thành phẩm chuyển từ màu cam sang màu hổ phách đậm, có phần bên ngoài dẻo dẻo, bên trong mềm thơm, tiết ra mật, ăn rất ngon và ngọt.
Thanh Thảo chia sẻ: Để làm ra một sản phẩm hồng sấy treo đạt chất lượng như ngày hôm nay, Thảo đã phải thử nghiệm, đã phải đổ bỏ rất nhiều mẻ hồng. Sản phẩm hư hao không thể tính toán được. Đã không ít lần, Thảo cảm thấy nản, nhưng nhờ gia đình và chị em ở Hội LHPN huyện, tỉnh động viên khích lệ, Thảo lại có động lực để đi tiếp con đường mình chọn. Thảo cũng dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm của những chị em đi trước, từ đó tập hợp lại và đút kết kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Mỗi lần bỏ đi là một lần rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.
Thảo cũng thử nghiệm rất nhiều loại hồng từ các nơi khác, nhưng cô gái 9x nhận thấy, không nơi nào hồng sấy có vị ngon và màu sắc đẹp như hồng ở D'ran, Đơn Dương, Lâm Đồng. Đó chính là động lực để Thanh Thảo quyết định sử dụng vùng nguyên liệu của địa phương để tạo ra sản phẩm chất lượng và tốt nhất.
Sản phẩm hồng treo mang thương hiệu Dranrosa đã được thị trường đón nhận với mức giá bán sỉ 350.000 đồng/kg, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Ngoài hồng sấy treo, Thảo còn phát triển thêm các sản phẩm như dứa sấy dẻo, dứa tươi, hồng tươi các loại.
Mới đây thôi, cơ sở sản xuất của Huỳnh Thị Thanh Thảo được đón các chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Cuba ghé thăm và trao đổi kinh nghiệm.
Những dự định còn ấp ủ
Dù cơ sở sản xuất mới thành lập, đầu ra chưa ổn định, nguồn vốn còn yếu, nhưng trong thời gian tới, Huỳnh Thị Thanh Thảo sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến của các nước để phát triển sản phẩm địa phương, hướng đến du lịch canh nông.
Chia sẻ với những bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp, Thanh Thảo nhắn nhủ: “Hãy mạnh dạn làm những điều mình muốn để có thể nâng cao vị thế, quyền năng kinh tế của phụ nữ và bản thân. Từ đó có thể tạo dựng chỗ đứng trong xã hội, làm chủ được kinh tế của bản thân và được giao lưu với các nữ doanh nhân, tạo ra trang mới trong cuộc đời".
Trần Lê