Chị Huệ tại cơ sở sản xuất của mình
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đến khi được 9 tháng tuổi, Huệ bị sốt dẫn đến liệt chân phải. Dù sau này vẫn được cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa nhưng với Huệ, đó là quãng thời gian đầy nhọc nhằn và vất vả. Huệ luôn phải chịu đựng nhiều ánh mắt tò mò về đôi chân tật nguyền của mình.
Vượt qua mọi khó khăn cả về tinh thần lẫn việc di chuyển, Huệ phấn đấu học hết phổ thông và xuất sắc có được tấm bằng đại học. Nhờ có sự đùm bọc và tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, chị đã nỗ lực học tập tốt.
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng trên tay, nhiệt huyết của chị tắt dần khi gõ cửa hết nơi này đến nơi khác đều không nhận được công việc đủ nuôi sống bản thân.
"Để xin được việc với người bình thường đã khó, bản thân mình là người khuyết tật càng khó khăn khi mà xã hội còn nhiều định kiến với người khuyết tật. Sau nhiều đêm trăn trở, cộng với sự đam mê về may vá, tôi quyết định học thêm nghề may rèm màn. Đúng thời điểm đó, tôi có một người bạn đang kinh doanh nghề này, tôi đã chia sẻ những khó khăn và trăn trở với bạn, thế rồi bạn trở thành người chắp cánh cho ước mơ của tôi thành hiện thực", chị Huệ chia sẻ.
Sau 1 tháng chăm chỉ học nghề, chị Huệ đã nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản về may rèm màn, nhờ vậy chị tự tin mở một cửa hàng nhỏ. Thế nhưng, có nghề thôi chưa đủ, việc mở cửa hàng còn cần vốn, địa điểm. Đó là khó khăn lớn mà chị Huệ phải đương đầu.
Với những mẫu rèm màn hiện đại, đẹp mắt, chất lượng tốt, cơ sở của chị Huệ ngày càng đông khách.
Để giúp con gái toại nguyện ước mơ, bố mẹ khuyên chị về mở hiệu may tại nhà, vốn liếng thì cứ lấy ngắn nuôi dài, mua vải, rèm về may cho khách rồi quay vòng, tích lũy.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Vậy là, từ hai bàn tay trắng, cô gái khuyết tật đã khởi nghiệp trong hoàn cảnh không ít khó khăn. Trong quá trình làm nghề, chị luôn học hỏi trau dồi tay nghề và bắt đầu nắm bắt tiếp cận thị trường cũng như người tiêu dùng nên không bao lâu sau, cửa hàng rèm Phúc Hưng của chị đã được biết đến rộng rãi ở TP Thái Nguyên.
Bản thân là người khuyết tật vận động, việc đi lại của chị Huệ gặp nhiều khó khăn, sức khỏe hạn chế. Thế nhưng được sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, cửa hàng ngày một đông khách, chị Huệ như được tiếp thêm sức mạnh để làm nghề. Cũng từ đó, chị nghĩ đến việc chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn khác để cùng nhau làm kinh tế, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Không còn tự mình làm tất cả mọi việc như trước, chị Huệ thuê thêm thợ may, đào tạo tay nghề cho họ. Cho tới nay, cơ sở may của chị có 8 nhân công, trong đó có 2 người khuyết tật, được chị trả lương trung bình mỗi tháng 6 triệu đồng/người.
Với những mẫu rèm màn hiện đại, đẹp mắt, chất lượng tốt, cơ sở của chị ngày càng đông khách. Chị Huệ đã lên kế hoạch chi tiết về quá trình quản lý sản xuất được bài bản, thuận lợi, dần chuyên nghiệp hóa quy trình thực hiện sản phẩm cho tới cách bán hàng.
An Khê