leftcenterrightdel
 Chị Trần Thị Thu Hồng khởi nghiệp với trái chôm chôm

Day dứt "bài toán được mùa mất giá"

Chị Trần Thị Thu Hồng tâm sự, từ nhỏ, hằn sâu trong tâm trí chị là hình ảnh của những vườn chôm chôm chín đỏ. Nhà chị cũng có một mảnh vườn với hơn 50 gốc chôm chôm Java được trồng từ thời ông bà nội và gần 200 gốc chôm chôm nhãn của bố mẹ. 

Trải qua thời gian, không ít gia đình phải đốn hạ những cây chôm trong vườn để trồng các loại cây ăn quả khác vì bài toán "được mùa mất giá".

Thời điểm năm 2016, trong lúc đang có dự định ra nước ngoài du học, chị Hồng bắt đầu thử chế biến quả chôm chôm để ăn. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, chị tìm ra cách làm mứt thơm, cùi dẻo, ăn được cả hạt. 

Thấy người thân, bạn bè ăn đều khen ngon, chị đã mạnh dạn làm với số lượng lớn rồi đăng thông tin lên mạng để bán. Vào vụ Tết năm đó, chị đã bán được một lượng lớn mứt chôm chôm. Chính thành quả ban đầu này đã khiến chị quyết định không đi du học nữa mà khởi nghiệp trên quê hương mình.

Thời gian đầu khởi nghiệp, chị Hồng tự tay làm mọi khâu, khó khăn chồng chất. Do chưa có công thức chuẩn nên nhiều mẻ mứt phải bỏ đi vì chất lượng không đồng đều. Năm 2018, chị tham gia dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long và được tặng máy sấy, máy hút chân không. 

Từ lúc này, việc sản xuất của gia đình không còn phụ thuộc vào thời tiết và đỡ được nhân công. Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa dừng lại, khi sản xuất đã ổn định thì hạn mặn gay gắt khiến nhiều diện tích cây trồng, trong đó có cây chôm chôm, trên địa bàn bị thiệt hại. Không có nguyên liệu, gia đình chị Hồng phải sản xuất cầm chừng. 

leftcenterrightdel
 Cơ sở của chị Hồng đã tạo việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương

Cùng lúc đó, dịch Covid-19 ập đến càng khiến khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, chị vẫn không bỏ cuộc mà kiên trì với con đường mà bản thân đã chọn.

Thương hiệu sản phẩm mang tên của mẹ

Do nguyên liệu chôm chôm ít đi, chị Hồng sản xuất thêm chuối sấy dẻo phủ mè dừa, mứt tắc, khóm, me và chùm ruột. Với chất lượng ngày càng được nâng cao, cộng với việc tham gia những cuộc thi khởi nghiệp, hội chợ, triển lãm… đã giúp cho các sản phẩm mang thương hiệu "chôm chôm cô Chín" được nhiều người tiêu dùng biết đến, đón nhận. 

"Tôi lấy tên của mẹ đặt cho thương hiệu sản phẩm. Cái tên mang hương vị miền Tây, nghe cũng ngọt ngào, thân thương. Tôi mong con cháu sẽ luôn nhớ đến người mẹ, người bà đã hướng dẫn, dành rất nhiều tình cảm cho tôi", chị Hồng chia sẻ.

Đến nay, các sản phẩm của cơ sở "Chôm chôm cô Chín" không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm của cơ sở đã đạt chứng chỉ "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Cơ sở tạo việc làm cho 4-10 lao động tại địa phương, tùy vào từng thời điểm. 

Theo chị Hồng, trong quá trình khởi nghiệp, chị đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng bản thân chị chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc. Việc khởi nghiệp thuận lợi không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm, đầu ra cho sản phẩm của người nông dân địa phương.

"Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên phải đi từ từ. Hiện tại, cơ sở cũng đã có đủ máy móc để phục vụ sản xuất. Nếu có đơn hàng lớn thì tôi sẽ mua thêm máy móc phù hợp. Tôi nghĩ để khởi nghiệp thành công thì phải dấn thân, kiên trì với con đường mình đã chọn. 

Bên cạnh đó, cần có người hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ năng, kiến thức, nhất là những lúc gặp khó khăn. Trong thời gian đầu khởi nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, nếu không có quyết tâm thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. 

Bên cạnh đó, khi khởi nghiệp cũng cần được sự ủng hộ của gia đình và trong bối cảnh hiện nay, cần phải biết khai thác, tận dụng được công nghệ, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội", chị Hồng nhấn mạnh.

Đình Hưng