Năm 2005, Công ty Bảo hiểm AAA ra đời dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Đỗ Thị Kim Liên. Năm 2012, sau khi chuyển nhượng AAA cho Tập đoàn IAG (Australia), bà Liên thành lập Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, môi giới kinh doanh và là Chủ tịch của Aqua One Group - chuyên cung cấp nước sạch, hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Sau nhiều năm vắng bóng trong lĩnh vực bảo hiểm, bà Liên đã xuất hiện trong vai trò nhà sáng lập Ứng dụng Bảo hiểm LIAN...
* Bà vẫn "nặng nợ" với lĩnh vực bảo hiểm...
- Trước khi đến với ngành bảo hiểm, tôi đã có suy nghĩ đây là ngành mang tính nhân văn cao. Nhiều năm điều hành Công ty Bảo hiểm AAA, từ một văn phòng 12m2 với 9 nhân sự, doanh thu năm 2005 chỉ 5 tỷ đồng, đã tăng lên 218 tỷ đồng vào năm 2008, và năm 2011 là 400 tỷ đồng.
Với bản tính luôn tìm cái mới và thử thách bản thân, tôi không muốn làm những việc giống nhau mỗi ngày. Năm 2012, nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, với kinh nghiệm 20 năm vừa là nhà đầu tư tài chính, vừa là người trực tiếp điều hành một công ty bảo hiểm, tôi muốn hợp tác, giúp tái cấu trúc những doanh nghiệp Việt Nam đang thua lỗ, nên quyết định chuyển hướng, thành lập Công ty AAA Plus để thực hiện ý tưởng ấy.
Tôi nghĩ, với nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, được trải nghiệm, cùng với đối tác mới, kiến thức mới, nếu "còn duyên" sẽ có cơ hội quay trở lại với lĩnh vực bảo hiểm.
* Nhưng điều gì khiến bà trở lại trong tâm thế tự tin vào thời điểm ngành bảo hiểm đang rất cạnh tranh và không dễ cho người đến sau?
- Không có dấu chấm hết nào cho người đến sau và cũng không có con đường nào vượt qua cạnh tranh, thách thức một cách dễ dàng nếu không mạnh dạn tạo sự khác biệt và đột phá. Tuy không điều hành công ty bảo hiểm trong 5 năm qua, nhưng bảo hiểm đã đi vào máu thịt nên lúc nào tôi cũng muốn làm điều gì đó cho lĩnh vực mà mình đã gắn bó suốt 30 năm.
Sau 5 năm nhìn lại, tôi thấy thị trường bảo hiểm đã có nhiều thay đổi, nhưng để bắt kịp xu thế, vẫn cần nhiều vấn đề phải giải quyết. Ví dụ, một số công ty bảo hiểm vẫn chưa thật sự minh bạch, vẫn còn theo kiểu mua dễ nhưng muốn nhận được bảo hiểm chẳng khác nào đi xin, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh nhưng vẫn chưa có đột phá.
Có dịp tiếp xúc với thế hệ 8X, 9X, nhất là những người có thâm niên khoảng 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tôi thấy họ tràn đầy năng lượng và có nhiều ý tưởng rất sáng tạo nhưng thiếu cơ hội để đưa chúng vào kinh doanh. Thế là tôi tập hợp một số bạn trẻ tài năng ấy để tạo ra ứng dụng LIAN app, là ứng dụng di động trên nền tảng IOS/Android, là công nghệ bảo hiểm tự động cho khách hàng.
Khách hàng có thể đăng ký, nhận giấy chứng nhận bảo hiểm, thanh toán chỉ trong vài phút, việc bồi thường bảo hiểm cũng hoàn toàn tự động với thời gian thanh toán chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
* Bà có lo nếu ứng dụng LIAN không được người dùng phổ biến sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của người sáng lập?
- Tôi luôn xác định mình kinh doanh là để thực hiện những đam mê, được thấy những thành quả do mình làm ra, được chia sẻ những điều tốt đẹp cho xã hội. Với quan điểm hiểu lĩnh vực nào thì kinh doanh lĩnh vực đó, nhưng phải làm hết trách nhiệm, tôi tin mình sẽ thành công.
Riêng ứng dụng LIAN, giá trị lớn nhất tôi đem lại là người dùng được hưởng bảo hiểm với tiêu chí "mua 1 phút, bồi thường 30 giây" và các dịch vụ cộng thêm, như gọi điện thoại miễn phí với thành viên trong nhóm và chỉ mất 50% cước phí với những người ngoài app, nghe radio online, đọc sách trực tuyến, quà tặng âm nhạc, tra cứu thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán tiền điện thoại...
Hiện nay, chưa có công ty bảo hiểm nào có chính sách thanh toán "siêu tốc độ" như LIAN, nhất là có nhiều lợi ích cho người mua và mức chiết khấu lên đến 40%, lại giúp khách hàng tương tác mọi lúc mọi nơi, mua bảo hiểm và nhận tiền bồi thường hoàn toàn tự động với mức bồi thường cho những thiệt hại dưới 50% là 50%, trên 50% là 100%.
Bảo hiểm là lấy tiền từ số đông người may mắn để chia sẻ, giúp đỡ cho số ít người kém may mắn. Vì vậy, mua bảo hiểm là mua "nhân văn", đồng thời đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là đóng góp vào an sinh xã hội của đất nước.
* Một câu hỏi vui, ở tuổi U60, làm thế nào bà đủ năng lượng để "truyền lửa" cho các bạn trẻ?
- Trước nay, bất cứ làm điều gì, tiêu chí của tôi là hướng đến giá trị, lợi ích của cộng đồng. Tôi không biết mình có cầu toàn và có dư năng lượng hay không, nhưng chỉ khi ngủ, tôi mới dừng suy nghĩ và ngay khi thức dậy, thói quen đầu tiên của tôi là phải xem trong khi mình ngủ, xung quanh đã diễn ra những gì để cập nhật. Với tôi, mỗi ngày trôi qua là một ngày phải có thêm điều mới chứ không bị mất đi.
Bây giờ chỉ cần mở điện thoại là có thể thấy cả thế giới nên càng không thể chậm trễ và lạc hậu. Vì vậy, tôi có cảm giác trí não của mình chưa bị giới hạn về dung lượng thông tin và dù đã có cháu ngoại, nhưng tôi chưa bao giờ ngưng làm việc và thôi "táy máy" công nghệ. Cứ mỗi ngày tôi đều soát xét công việc mình làm đã hiệu quả chưa, công việc cần làm ngay thì không bao giờ để đến ngày mai mới làm.
* Là Lãnh sự Danh dự của Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM, bà đã đóng góp gì cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
- Ngoài việc phục vụ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam và Nam Phi, tôi đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập Tổ chức Doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi. Từ đây, nhiều cuộc hội thảo xúc tiến thương mại đã được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân 2 nước gặp gỡ, tìm hiểu, kết nối giao thương.
Từ năm 2009 đến nay, với vai trò lãnh sự, tôi đã hoàn thành công việc được giao. Chính phủ Nam Phi đã có bằng khen ghi nhận đóng góp của tôi và ngày càng thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. 10 năm qua, có nhiều đoàn xúc tiến thương mại do tôi kết nối đã phát huy hiệu quả hợp tác, nhiều doanh nhân Nam Phi hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.
Tôi rất tâm đắc câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: "Giáo dục là vũ khí hiệu quả nhất để thay đổi thế giới. Một quốc gia muốn phát triển thì phải lấy giáo dục làm nền tảng".
Chính câu nói này đã khiến tôi quan tâm nhiều hơn đến giáo dục.
* Bà có thể chia sẻ vài điều với những doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nam Phi?
- Tiềm năng hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi. Họ rất cần sự hỗ trợ từ Việt Nam để phát triển nông nghiệp, cần chuyên gia và nhân lực giỏi về nông nghiệp của Việt nam sang hợp tác, hỗ trợ Nam Phi trồng lúa. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu than và gỗ lim từ Nam Phi, xuất khẩu sang Nam Phi gạo, cà phê, điều nhân, giày dép, quần áo.
Tuy nhiên, hàng Việt Nam ở Nam Phi phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng của Trung Quốc về giá. Để hợp tác làm ăn lâu bền, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu văn hóa của nhiều dân tộc Nam Phi và quan trọng là tìm được đối tác tin cậy, nhất là nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn, không chỉ vì lợi nhuận trước mắt.
* Một chia sẻ của bà với doanh nhân trẻ?
- Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều lợi thế cần phải nắm bắt nhanh. Một là Chính phủ rất quan tâm phát triển kinh tế tư nhân và phong trào khởi nghiệp, nên đây là thời điểm rất thuận lợi để doanh nghiệp và những ý tưởng khởi nghiệp phát triển. Việt nam còn có lợi thế về thị trường rộng lớn với dân số trẻ. Bây giờ ngồi ở nhà, chúng ta cũng có thể liên kết, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước.
Song, cũng có không ít thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua, đó là sự hiểu biết về luật pháp trong kinh doanh, cả trong nước lẫn nước ngoài, và tầm nhìn xa. Đó cũng là lý do không ít doanh nghiệp đang "kinh doanh theo đám đông". Nhiều bạn trẻ loay hoay không biết khi khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu và cuối cùng bị mất phương hướng.
Lời khuyên chân thành của tôi là các bạn trẻ hãy tìm hiểu kỹ và có trách nhiệm với việc mình làm, không chạy theo tâm lý ăn xổi, chụp giật kiếm chút lợi nhuận rồi thôi. Vì cách ấy không phải là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.
* Bận rộn với kinh doanh nhưng bà cũng rất tâm huyết với giáo dục...
- Tôi rất tâm đắc câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: "Giáo dục là vũ khí hiệu quả nhất để thay đổi thế giới. Một quốc gia muốn phát triển thì phải lấy giáo dục làm nền tảng". Chính câu nói này đã khiến tôi quan tâm nhiều hơn đến giáo dục. Tôi đã tổ chức trao tặng học bổng cho một số học sinh nghèo hiếu học, tài trợ xây dựng 4 trường mầm non tại Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nam, Ninh Bình, tài trợ xây cầu qua sông tại Kon Tum cho trẻ em dễ dàng đi học trong mùa mưa lũ...
* Với các công trình cung cấp nước sạch cho cộng đồng, bà đã làm được gì?
- Điều hành AAA Plus, tôi được tiếp cận với các công trình dân sinh, thấu hiểu các vấn đề cấp bách của cuộc sống người dân, đặc biệt là nước sạch. Khi đến các vùng sâu, vùng xa, mở vòi nước thấy nước có màu vàng do bị nhiễm phèn, thậm chí nhiều người vẫn phải dùng nước ao, nhiều người mong ước có được nước trong thôi là đủ, đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp bà con có nước sạch để dùng.
Lãnh đạo các tỉnh cho biết, họ cũng đau đáu nỗi lo nước sạch cho dân nhưng phải xã hội hóa đầu tư, tức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm mới đủ sức. Vì vậy, Aqua One Group đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy nước ở Hậu Giang, Phú Yên, Hòa Bình... với sản lượng rất lớn nước sạch.
* Một đời kinh doanh, giá trị lớn nhất mà bà tự hào khi đem lại cho cộng đồng là gì, thưa bà?
- Đó là góp phần giải quyết được 2 "cơn khát" của thị trường. Một là bảo hiểm - giải quyết được nhu cầu về an sinh. Hai là giải quyết được nước sạch - một nhu cầu tối cần thiết cho sự sống và sức khỏe người dân. Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là ai cũng có nước sạch để dùng.
Tôi nghĩ, đã là công dân, là doanh nhân, hễ làm việc gì có ích cho xã hội chính là thể hiện lòng yêu nước. Yêu nước từ chính trách nhiệm của mình với xã hội và cộng đồng. Một bàn tay không thể làm hết tất cả nhưng nhiều bàn tay góp lại sẽ làm nên điều lớn lao mình mong muốn.
* Bà có thể tiết lộ kế hoạch kinh doanh sắp tới?
- Tôi còn nhiều dự án phải làm, như xử lý nước thải, cùng một số chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu xây dựng hệ thống chống ngập đạt tiêu chuẩn cao cho các thành phố, trước mắt là TP.HCM và Hà Nội.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!
Theo Doanh nhân Sài Gòn