Giám đốc CEL Consulting - nữ doanh nhân Nguyễn Dạ Quyên.


Trong 4 năm qua, chị đã tổ chức triển lãm tranh, ảnh hơn mười lần tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Pháp… và từng đoạt giải thưởng Sáng tạo châu Á 2014 tại Nhật Bản. Những buổi triển lãm của chị thường có nét độc đáo đáng nhớ, như triển lãm Pot-Au-Phở diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, người xem cảm thấy rất thú vị khi vừa xem ảnh vừa chơi “đuổi hình bắt chữ” từ những bức ảnh trắng đen ghi lại sinh hoạt đời thường của người Việt.

Dạ Quyên cho biết: Tôi đã suy nghĩ về các cách giúp cho người xem tương tác với ảnh, tạo một không gian triển lãm sinh động, thay vì chỉ lặng lẽ xem và cảm nhận. Không nhiều bạn trẻ thích đi xem triển lãm tranh ảnh vì họ cảm thấy tẻ nhạt, nhàm chán. Tôi cố gắng làm mới triển lãm ảnh của mình để thu hút nhiều bạn trẻ hơn. Tôi tin rằng nghệ thuật sẽ giúp cho tâm hồn các bạn trẻ xanh mát hơn là chỉ biết tìm vui ở mạng xã hội. Tôi thật vui khi thấy những tiếng cười bất ngờ từ người xem. Nhiều khán giả nhí cũng sôi nổi tham gia thử tài “đoán chữ”. Một số trường dạy tiếng Pháp cũng đưa học sinh đến xem triển lãm.

* Người cùng chị thực hiện ảnh cho triển lãm lần này là Julien Brun, thành viên hội đồng quản trị Hiệp hội thương mại Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, có vẻ cũng là một người bận rộn. Anh chị đã bắt đầu ý tưởng thế nào và mất bao lâu để thực hiện bộ ảnh này?

Julien là một người kinh doanh nhưng lại đam mê nhiếp ảnh. Anh đã sống ở Việt Nam 13 năm, nên cũng hiểu biết và yêu mến đất nước hình chữ S. Chúng tôi đã dành thời gian chụp suốt nhiều năm qua, trong nhiều chuyến đi khác nhau, như một bộ sưu tập vậy. Ý tưởng bắt đầu từ một lần chúng tôi nhắc đến từ “phec-mơ-tuya”, một từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Bản thân tôi tìm hiểu thêm thì biết rằng trong vốn từ vựng tiếng Việt có hơn 500 từ ngữ có gốc Pháp hay từ hỗn chủng với tiếng Pháp chúng ta sử dụng thường xuyên đôi khi không để ý, chẳng hạn như từ: pâté (pa tê), auvent (ô-văng), poupée (búp bê), rideau (màn ri đô), guitare (đàn ghi-ta), sandale (dép xăng đan), sapotier (quả sa bô chê), savon (xà bông), balcon (ban công), bandeau (băng đô), bidon (bình bi đông), bleu (lơ, xanh lơ), essence (xăng), café (cà phê)… Nhan đề “Pot-Au-Phở’ được ghép bởi từ “Pot-au-feu” (món xúp bò hầm) của Pháp và “phở” của Việt Nam, thể hiện nét giao thoa văn hóa Việt-Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt.

Triển lãm lần này là dịp để người xem chiêm nghiệm nét giao thoa độc đáo trong ngôn ngữ Pháp Việt. Tôi cũng đã đưa “Pot-Au-Phở” sang Paris (Pháp) để kể câu chuyện về sự kết nối thú vị trong ngôn ngữ giữa hai nước. Lần triển lãm này diễn ra trong vòng ba tuần tại Việt Nam Foyer như là một phần trong lễ hội văn hóa Việt Nam tại Pháp. Do không gian triển lãm giới hạn nên chỉ dùng được vài bức ảnh, nhưng trải nghiệm đã cho tôi những học hỏi thú vị về triển lãm và làm nghệ thuật tại một nơi như Paris, một thị trường nghệ thuật sáng tạo khá cạnh tranh vì có rất nhiều “ngôi sao” lớn.

* Trước đây chị cũng đã có rất nhiều triển lãm tranh. Cơ duyên nào mà một nữ giám đốc trở thành họa sĩ vậy?

Trong chúng ta, ai cũng có một phần nghệ sĩ. Tôi trở thành họa sĩ vì tôi luôn nghĩ mình có thể trở thành họa sĩ và tôi dành thời gian lao động, sáng tạo nghệ thuật, đơn giản vậy thôi. Từ nhỏ, tôi đã đam mê tranh ảnh nhưng không chọn theo con đường nghệ thuật vì nghĩ rằng cuộc sống của nghệ sĩ rất bấp bênh. Khi trưởng thành, tôi bước vào kinh doanh khá thuận lợi nhưng không thấy hạnh phúc trọn vẹn với thành công trong nghề nghiệp. Đến năm 2010, tôi tự học vẽ, sáng tác tranh và bắt đầu con đường nghệ thuật theo cách riêng của mình. Theo tôi, muốn thành một nghệ sĩ “kiểu mới” không quá khó, chỉ cần có tư duy nghệ sĩ là đủ.

* Tư duy nghệ sĩ “kiểu mới” là gì, chị có thể nói rõ hơn?

Tôi tin rằng, nếu được tạo điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật và được khuyến khích tích cực, mỗi người đều có thể trở thành nghệ sĩ theo kiểu mới. Người có tư duy nghệ sĩ “kiểu mới” sẽ hiểu rằng không ai sinh ra đã là một nghệ sĩ, nhưng quan trọng nhất là chúng ta luôn nghĩ rằng mình sẽ trở thành nghệ sĩ. Việc cần làm là chúng ta phải dành thời gian cho nghệ thuật, thực hành và sáng tạo tác phẩm không ngừng nghỉ. Hiếm ai thành công ngay ở những sản phẩm nghệ thuật đầu tiên. Khi mới học vẽ, tôi cũng có những bức tranh chỉ muốn giấu kín trong phòng, không muốn cho ai xem. Một đam mê khác của tôi là nấu ăn cũng thất bại thảm hại trong những món ăn đầu tiên. Tôi còn nhớ món tôi nấu cả nhà chẳng ai ăn nổi, thậm chí mấy con chó trong nhà cũng không buồn đụng đến, đó là sự thật chứ không hề nói quá.

Tôi nghĩ nếu là người khác chắc sẽ gác lại đam mê nấu ăn khi bị chê bai như vậy, nhưng tôi thì không dễ “đầu hàng”. Tôi vẫn tiếp tục học hỏi vì tôi đơn giản là thích nấu ăn và muốn trở nên tốt hơn, thực hành, sáng tạo rồi tham gia MasterChef Vietnam mùa thứ 2. Dù không tiến xa trong cuộc thi nhưng quan trọng nhất là tôi đã cải thiện hơn việc nấu nướng và đủ tự tin bước ra ngoài chia sẻ niềm yêu thích ấy. Qua câu chuyện của tôi có thể thấy, muốn trở thành nghệ sĩ thì phải chọn để trở thành nghệ sĩ, rồi từ đó dành thời gian thực hành và sáng tạo như một nghệ sĩ thực thụ. Điều này sẽ giúp chúng ta luôn làm việc, phát triển để trở nên tốt hơn trong bất kỳ công việc đòi hỏi tính nghệ thuật nào.

Nghệ sĩ "kiểu mới" không ngần ngại vươn ra khỏi giới hạn của mình, tìm kiếm cơ hội chia sẻ nghệ thuật với cộng đồng.

* Không phải ai làm nghệ thuật cũng sẽ trở nên nổi tiếng. Nhiều người sẽ thất vọng nếu thực hành nghệ thuật trong thời gian dài mà không ai biết tới?

Trong tư duy của một nghệ sĩ thực thụ không “ôm cây” chờ đợi để được nhiều người biết đến. Người làm nghệ thuật chân chính cũng giống như người làm kinh doanh, phải ra khỏi nhà và chia sẻ thành quả của mình với người khác. Nghệ sĩ “kiểu mới” cũng phải biết cách sử dụng truyền thông, các mối quan hệ xã hội để giao tiếp và chia sẻ các sáng tạo nghệ thuật. Họ không ngần ngại vươn ra khỏi giới hạn của mình, gõ cửa tìm các mạnh thường quân và các hỗ trợ, tìm kiếm cơ hội chia sẻ nghệ thuật với cộng đồng. Giờ đây, không gian triển lãm không còn đóng khung ở các phòng tranh, bảo tàng nữa. Nghệ sĩ có thể triển lãm ở quán cà phê, nhà hàng, trường học hoặc không gian làm việc chung (co-working spaces) như Toong Minh Khai – nơi tôi triển lãm Pot-Au-Phở lần này…

Thật vui khi triển lãm của tôi kết thúc, không gian rộng rãi tại Toong Minh Khai sẽ tiếp tục được sử dụng để triển lãm tranh, ảnh, thơ, thư pháp… miễn phí cho các nghệ sĩ trẻ. Tôi tận dụng lại các trang thiết bị triển lãm và cách thức tổ chức triển lãm để giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho nghệ sĩ và có được những triển lãm thú vị. Tôi cho rằng đây là hoạt động cần thiết để làm giàu cho tâm hồn chúng ta, nhất là trong một thời đại phát triển quá nhanh khiến con người ít nhiều mệt mỏi với sự góp sức của mạng xã hội. Thường thì chúng ta dành khoảng vài phút để ngắm một bức ảnh khi triển lãm, và chỉ nhìn lướt nhanh tầm 3 giây khi xem ảnh trên mạng xã hội, thậm chí là ít hơn 3 giây. Khuyến khích nghệ thuật phát triển cũng là cách khuyến khích cái hay, cái đẹp cho cuộc sống con người, nhất là người phụ nữ với nhiều áp lực từ trong nhà ra xã hội…

* Mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền bài viết tựa đề “Áp lực từ thành công của người khác”, đó có phải là áp lực của phụ nữ hiện đại mà chị muốn nói đến?

Đúng vậy. Nhiều phụ nữ luôn khổ sở vì cảm thấy mình chưa hoàn thành việc trong nhà mà ra xã hội mình cũng không bằng ai. Với sự lên ngôi của mạng xã hội, sự khổ sở của phụ nữ càng nặng nề thêm. Không ít trong số họ cảm giác buồn bã, thất vọng khi trông thấy cuộc sống lộng lẫy, thành công, nhàn nhã của người khác thể hiện trên Facebook. Đó có lẽ là lý do vì sao nhiều phụ nữ cảm thấy khó khăn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta phải hiểu rằng ai cũng có những giá trị nhất định trong cuộc đời này. Còn trong công việc thì ngày hôm nay chúng ta làm tốt hơn hôm qua đã là thành quả đáng ghi nhận rồi.

Nữ doanh nhân, nghệ sĩ tại triển lãm Pot-Au-Phở

Với nhân viên hay cộng sự nữ trong công ty, tôi đều khuyến khích đọc hai cuốn sách nhỏ tựa đề The Book of Woman (tạm dịch “Cuốn sách về Phụ nữ”) của tác giả Osho và The Four Agreements (tạm dịch là “Bốn hiệp định”) của Don Miguel Ruiz. Hai cuốn sách này có những cách nhìn đơn giản mà khác biệt, cho phụ nữ cách sống nhẹ nhàng, tự do và hạnh phúc hơn. Chẳng hạn như lời nói có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến tâm trạng, tinh thần của người khác. Vì vậy, nếu không nói được lời tử tế thì chúng ta nên im lặng để không làm tổn thương người khác. Phụ nữ cũng tránh thói quen suy diễn quá mức, tự biến mình trở thành nguyên nhân khiến người khác thất vọng, từ đó họ trở nên khủng hoảng, tự ti…


Vì họ cũng là phụ nữ như tôi và họ hạnh phúc thì mới làm việc tốt. Quản trị nhân sự là một việc không dễ, và có lẽ là thách thức luôn mãi tồn tại trong công việc quản trị, vì con người là những cá thể khác nhau, chẳng ai giống ai. Công việc chiếm hơn mười giờ mỗi ngày, công ty gần như là gia đình thứ hai của mỗi người, nên cũng rất cần những hoạt động ngoài công việc để tăng thêm giá trị cho nhau, cùng giúp nhau phát triển.


* Vì sao chị lại quan tâm đến các mối quan hệ khác ngoài công việc của nhân viên?

* Còn việc kinh doanh thì sao, CEL Consulting là một trong những công ty tư vấn và đào tạo đầu tiên trong lĩnh vực quản trị cung ứng tại Việt Nam nên chắc sẽ gặp nhiều thử thách?

Quản trị cung ứng là một lĩnh vực mới mẻ, dù đã có mặt ở Việt Nam từ mười năm nay nhưng vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đa phần các doanh nghiệp đều biết quản trị cung ứng là cần thiết, nhưng lại chưa đề cao tính cấp bách và tầm quan trọng. Họ chỉ xem chuỗi cung ứng là một bộ phận đi sau kinh doanh – tiếp thị, trong khi đó là một chiến lược cạnh tranh và quyết định “sống còn” trên thị trường hiện nay.

Mặt khác, sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc quản trị cung ứng thường hời hợt, chạy theo phong trào là chủ yếu. Chẳng hạn như cách đây vài năm, khi giải pháp quản lý sản xuất tinh gọn LEAN nổi lên như một phong trào thì người người nhà nhà đều đi học về LEAN, nhưng việc áp dụng thì chưa thật đến nơi đến chốn. Có một thống kê rằng là chỉ có khoảng dưới 5% các dự án LEAN thật sự thành công. Thật đáng tiếc là chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận ra là quản trị cung ứng chính là chiến lược đường dài để tạo ra lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.

* Chính vì vậy, chị thường tổ chức các hội thảo để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về ngành cung ứng, phải không?

Xây dựng nhận thức về quản trị cung ứng cho thị trường chỉ là một phần trong nhiều mục tiêu của nhiều hội thảo chúng tôi đã tổ chức, bên cạnh việc kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng cẩn trọng hơn trong việc quyết định tổ chức các sự kiện hội thảo vì có một thực tế là lượng rác thải từ các sự kiện thương mại góp phần khoảng 15% rác thải rắn, chưa kể đến việc góp phần tăng lượng tiêu thụ năng lượng hay thải thêm CO2 từ việc giao thông đi lại tham dự sự kiện. Có một câu nói khá phổ biến hiện nay là “Be a part of solution, not pollution”, nếu có thể làm gì tốt hơn cho cuộc sống này thì làm, chứ đừng làm cho môi trường sống tệ hại thêm. Người ta ước tính mỗi năm, chúng ta đang “vay mượn” gần gấp đôi phần tài nguyên để dành cho tương lai. Tài nguyên thì hữu hạn, nếu chúng ta không biết cách chung tay tái tạo tài nguyên bằng những cách rất đơn giản như hạn chế xe máy trong thành phố, trồng cây… thì e rằng tài nguyên sẽ cạn kiệt rất nhanh và không cứu vãn nổi, đặc biệt cho thế hệ tương lai.

* Việc hạn chế xe máy trong thành phố có vẻ “bất khả thi” với một đất nước sử dụng xe máy là phương tiện di chuyển chính như Việt Nam?

Có nhiều cách để giảm xe máy, nhất là trong khu đô thị. Chẳng hạn như quy hoạch và phân chia khu vực cho các doanh nghiệp giao hàng. Hiện có rất nhiều công ty giao nhận hàng như DHL, Vietnam Post, Viettel Post, LEX, NinjaVan, GHN, Giaohangtietkiem… Với tốc độ phát triển về thương mại điện tử như hiện nay thì hằng ngày có hàng ngàn chiếc xe máy đi giao nhận hàng trong nội thành, đó là chưa kể đến những trường hợp người nhận không có nhà, phải đi lại nhiều lần. Thiết nghĩ, chúng ta phải hướng tới cái “bắt tay” giữa các doanh nghiệp logistics, để chia sẻ các trạm giao hàng hoặc mỗi doanh nghiệp phụ trách một số phường, quận nhất định, thậm chí có thể giao hàng bằng xe đạp hay đi bộ trong khu dân cư… Đây chỉ là một trong các giải pháp giảm khí thải xe máy trên đường phố, có lẽ không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Nhưng không thể không nghĩ đến, nếu muốn phát triển quốc gia bền vững.

Đất nước chúng ta đã phát triển rất nhanh trong mười năm trở lại đây, đây là thực tế đáng mừng, nhưng cũng đáng lo. Sự phát triển quá nhanh khiến chúng ta “bỏ quên” môi trường và không còn biết quý trọng nông nghiệp. Cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp – thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.

Việc giảm thất thoát, lãng phí nông sản không chỉ thể hiện tình cảm của người tiêu dùng đối với thực phẩm mà còn đảm bảo an ninh lương thực và giúp nông dân gắn với đồng ruộng.

Chưa kể đến, việc “rất tiện lợi bây giờ” trong việc đóng gói bao bì thực phẩm, sản phẩm ăn uống đa phần bằng nhựa thực tế là sẽ rất “bất tiện” trong tương lai vì có quá nhiều rác thải nhựa mà phải mất vài trăm năm mới tiêu hủy được. Theo số liệu từ Tổ chức Ô nhiễm Nhựa, trung bình một ngày, lượng nhựa thải ra tại Nhật gấp 5 lần ở Việt Nam, nhưng tại Nhật, 100% rác từ nhựa được kiểm soát, phân loại, xử lý, tái chế, trong khi ở Việt Nam, khoảng 86% rác nhựa chưa được kiểm soát, xử lý, tái chế. Có lẽ đó là nguyên do vì sao Việt Nam vẫn trong nhóm năm quốc gia thải nhựa vào đại dương nhiều nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia. Trong khi các bạn trẻ thì xa rời vùng nông thôn vì việc trồng trọt, chăn nuôi cũng không được xem trọng nữa…

* Đất nước đang tiến lên hiện đại hóa, nhưng chị vẫn muốn giữ nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sao?

Dù đất nước phát triển đến đâu thì nông nghiệp vẫn luôn cần thiết cho một quốc gia. Dù không trực tiếp làm nông, thanh niên trẻ em cũng cần được dạy là phải yêu quý đồng ruộng, yêu quý nguồn thực phẩm tươi sống chúng ta được ăn hằng ngày. Hiện nay, chúng ta đang lãng phí khoảng một phần ba lượng thực phẩm, trong khi ngày ngày ở một nơi khác đang có hàng ngàn người chết vì đói. Việc lãng phí, thất thoát thực phẩm xảy ra ở rất nhiều khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, đóng gói, bán lẻ, tiêu dùng… Việc lãng phí thức ăn không chỉ do nhà sản xuất mà cả từ ý thức người tiêu dùng hay đơn giản là kiến thức bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng còn thấp. Hiện nay, do thất thoát lớn, giá trị mà người nông dân nhận được khá thấp. Nếu giảm được thất thoát, nông dân sẽ có niềm tin với sản xuất và đời sống của họ sẽ được cải thiện.

So với các nước phát triển, tỷ lệ lãng phí thực phẩm ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, vì ta chủ yếu dùng đồ tươi sống. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp – thực phẩm đóng hộp sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.

Viễn cảnh đó, chúng ta có thể thấy ở Philippines – quốc gia trồng được những giống xoài rất ngon, nhưng lại ít người được sử dụng những trái xoài tươi, giá đắt đỏ. Việt Nam có muốn rơi vào hoàn cảnh khan hiếm thực phẩm tươi sống như Philippines hay không, điều đó phụ thuộc vào những hành động của chúng ta ngay lúc này.

Cùng với cam kết giảm 10% thất thoát thực phẩm vào năm 2020 do các nhà lãnh đạo APEC đưa ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 10% thất thoát, lãng phí ở nhiều sản phẩm như lúa gạo, rau quả, trái cây… Đó không chỉ là để đảm bảo an ninh lương thực mà là sự gắn bó của nông dân với đồng ruộng và tình cảm của người tiêu dùng đối với thực phẩm. Những điều tốt đẹp này cần lan rộng trước khi quá muộn, tôi mong như vậy.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.

Theo Doanh nhân Sài Gòn