Gắn bó với nghề cắm hoa tươi chuyên nghiệp nhưng lại không nỡ nhìn thấy vẻ đẹp bị úa tàn, Nguyễn Thị Thanh Lân đã tìm tòi, nghiên cứu công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử.

Thương hiệu hoa tươi bất tử Cố Đô của cô gái 34 tuổi không chỉ mang đến những sản phẩm làm quà tặng, trang trí tăng vẻ đẹp cho không gian sống mà còn là câu chuyện về những cánh đồng hoa xứ Huế.

leftcenterrightdel
 

Thanh Lân khởi nghiệp với dòng hoa bất tử vì muốn duy trì vẻ đẹp của hoa tươi

Bôn ba xứ bạn học nghề

Tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc, cũng có thời gian gắn bó với trường lớp, học trò nhưng vì tình yêu quá lớn dành cho hoa và công việc cắm hoa, năm 2017, Nguyễn Thị Thanh Lân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chọn rẽ ngang, mở shop kinh doanh hoa tươi.

Lân chia sẻ: “Để vận hành shop hoa, tôi làm chung với chị gái. Mỗi ngày, được cùng chị chọn lựa, cắt tỉa, nâng niu từng bông hoa, tôi rất vui.

Nhưng khi nhìn những bông hoa xinh đẹp héo rũ chỉ sau 4, 5 ngày, trong lòng tôi lại dấy lên cảm xúc nuối tiếc, day dứt hệt như đang mất mát một điều gì rất quan trọng.

Thời gian trôi qua, tôi không những không thỏa hiệp được với sự mâu thuẫn đó mà càng bị những bông hoa héo rũ ám ảnh nhiều hơn. Tôi bắt đầu lên mạng tìm tòi, tham khảo tư liệu học cách tăng tuổi thọ cho hoa tươi”.

Mặc dù Thanh Lân từng có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về hoa, quá trình thu thập thông tin, học hỏi kinh nghiệm làm hoa bất tử qua internet cũng được cô sàng lọc, ghi chép tỉ mỉ nhưng từ “học” đến “hành” là một quãng đường rất xa.

Đã hàng trăm lần, Thanh Lân phải bỏ đi những bó hoa, cụm hoa tươi đắt đỏ vì gặp trục trặc, thất bại trong khâu ướp, bảo quản hoa. Không bỏ cuộc, cô gái trẻ lên đường tìm đến những cơ sở kinh doanh, sản xuất hoa bất tử ở các tỉnh bạn học bí quyết.

Cô kể: “Nơi tôi chọn học nghề đầu tiên là thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trước khi đi, tôi cứ nghĩ xứ sở ngàn hoa là nơi tôi sẽ được thỏa mãn, mục sở thị nhiều nhất những “ngón nghề” ướp hoa tươi thành hoa bất tử.

Tuy vậy, thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Với nền độ ẩm cao, thời tiết, môi trường của Đà Lạt không thuận lợi để phát triển ngành hoa bất tử tự nhiên không hóa chất”.

leftcenterrightdel
 

Sản phẩm hoa bất tử được xử lý, ướp cát đúng quy trình có tuổi thọ lên đến 10 năm

Rời Đà Lạt, Lân khăn gói ngược ra Bắc, đến Thanh Hóa, Hà Nội để tiếp tục “tầm sư học đạo”. Cuối năm 2022, sau đúng 1 năm bôn ba học hỏi, nghiên cứu, thực nghiệm thành công kỹ thuật, Thanh Lân chính thức ra mắt thị trường dòng sản phẩm hoa bất tử với thương hiệu Cố Đô. 

Theo sự chia sẻ của Thanh Lân, hiện tại, ở nước ta, số lượng đơn vị sản xuất, kinh doanh dòng hoa tươi bất tử không hóa chất chưa đến 10 cơ sở. 

“Cái gì hiếm chứng tỏ điều đó khó. Nếu như để cắm một bình hoa tươi, tôi chỉ cần bỏ ra 10-15 phút thì một bình hoa bất tử nhỏ nhất cũng đã ngốn mất 2 tiếng, bình lớn thì phải cặm cụi cả ngày mới xong. Cắm hoa phải theo đúng nguyên tắc “ngoài vào trong, dưới lên trên”.

Tôi phải chia nhỏ nguyên liệu ướp hoa trong từng hộp nhựa có nắp đậy, dán kín bằng keo. Trung bình, phải một tuần mới ướp khô được một mẻ hoa, sau đó ngắm nghía, lên ý tưởng rồi khéo léo đưa hoa vào bình thủy tinh, kết hợp với các nguyên liệu phụ khác như cỏ, lá, cành để tạo kiểu dáng cho bình hoa.

Công đoạn xử lý trước khi đóng bình rất quan trọng. Công đoạn này nếu không được thực hiện một cách khắt khe thì tuổi thọ của hoa sẽ không bao giờ đạt mức 10 năm trở lên” - Thanh Lân chia sẻ.

Về trên cánh đồng hoa quê hương

Hiện tại, tiệm hoa của Thanh Lân sở hữu nhiều dòng sản phẩm hoa tươi bất tử độc đáo. Đó có thể là các nụ hoa, cành hoa, cụm hoa được đặt trong ly, bình thủy tinh với nhiều kích cỡ, hình dáng khác nhau hoặc hoa cũng có thể được kết hợp, cách điệu thành phụ kiện, sản phẩm trang trí nội thất mới lạ, sang trọng như đèn ngủ, đồng hồ…

Cô cho biết, đã từng có rất nhiều lầm tưởng về chất lượng cũng như đặc tính của hoa bất tử do thương hiệu Cố Đô sản xuất. Người thì bảo để hoa khô được, chắc chắn người làm phải phun, tẩm rất nhiều hóa chất độc hại.

Có người lại cho rằng tuổi thọ của hoa kéo dài tối đa chỉ được 1, 2 năm là cùng. Rồi có những khách hàng khi mới nhìn thoáng qua sẽ không tin vào mắt mình, quy kết ngay sản phẩm là hoa giả, hoa giấy chứ không phải hoa thật.

Thực tế, với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, bài bản, chuyên nghiệp, sản phẩm hoa bất tử không xử lý qua hóa chất của Thanh Lân không những an toàn, giữ được màu sắc, hình dáng ở ngưỡng một tám, một mười so với hoa tươi mà còn lưu được hương thơm tự nhiên thoang thoảng trong một khoảng thời gian dài.

Để sản phẩm đến được tay khách hàng, Lân chọn lối lan tỏa tùy duyên, chậm mà chắc. Lân dành nhiều thời gian mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm hoa độc bản. Cô lý giải, ưu điểm của hoa tươi là vẻ mướt mềm, căng tràn sức sống nhưng không phải loài hoa tươi nào cũng cắm được.

Trong khi đó, với dòng hoa bất tử, sức sáng tạo là vô biên. Như hoa sen, hoa súng, vì đặc tính cánh to lại mỏng nên người chơi hoa muốn giữ được lâu là điều không thể. Nhưng nếu được ướp khô, bảo quản trong bình thủy tinh đúng quy trình, vẻ đẹp của hoa sẽ được duy trì đến 10 năm.

Sản phẩm hoa súng ướp khô có nguyên liệu từ những cánh đồng hoa quê hương
Sản phẩm hoa súng ướp khô có nguyên liệu từ những cánh đồng hoa quê hương

Cô nhớ lại: “Khi có ý định ướp hoa sen, hoa súng thành sản phẩm hoa bất tử, tôi đã lên mạng tìm hiểu về nguồn nguyên liệu. Đây đều là những loài hoa “đặc sản” của các tỉnh miền Tây như Long An, An Giang, Đồng Tháp.

Vào mùa nước nổi, khắp các kênh rạch, vùng trũng sẽ xuất hiện những cánh đồng hoa sen, hoa súng đa dạng sắc màu. Trong quá trình kết nối, tôi đã tìm được một bàu hoa sen, hoa súng của một thanh niên trẻ trong vùng.

Chạy xe gần 100km đến tận nơi tìm hiểu, lội xuống bàu nước sâu đục ngầu để ngắt từng bông súng là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên trong đời. Khi hoa súng được ướp cát thành công, tôi đã òa khóc, reo lên vì hạnh phúc”.

Ngoài những dòng hoa sang chảnh nhập khẩu như mao lương, tulip…, mấy tháng gần đây, Thanh Lân đặt mục tiêu quay về thổi hồn chủ yếu cho những sắc hương bản địa như hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa dại, hoa mào gà…

Những cánh đồng hoa ở các xã Vinh Hiền, Vinh Thanh, thị xã Hương Trà là điểm hẹn; những người nông dân trồng hoa địa phương trở thành những người bạn đồng hành quen thuộc cùng Thanh Lân.

Hay như việc chọn tên để xây dựng thương hiệu là Cố Đô cũng chính là cách cô gái trẻ muốn lan tỏa sắc hương xứ Huế đến bạn bè khắp nơi thông qua những sản phẩm lưu niệm tinh tế, kỳ công.

Sau hơn 1 năm khởi tạo, tệp khách hàng của Thanh Lân mỗi ngày vẫn không ngừng tăng lên, mở rộng. Sản phẩm hoa tươi bất tử Cố Đô đã vươn xa ra đến nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai… 

Cô cho biết: “Khách từng mua sản phẩm của tôi hầu như đều quay lại đặt thêm. Họ cũng như tôi, luôn trân quý, hướng đến lối sống chậm khi nỗ lực lan tỏa, gìn giữ để những vẻ đẹp luôn bền bỉ, ít bị tàn phai theo thời gian”. 

Theo phụ nữ TPHCM