Chị Hạnh cho biết, dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm, kéo theo nhu cầu may mặc cũng giảm, dẫn đến doanh thu tại cơ sở may của chị cũng bị ảnh hưởng lớn về kinh tế. Chị em phụ nữ khuyết tật cũng bị giảm nguồn thu, cuộc sống cũng khó khăn chật vật hơn rất nhiều.
Mặc dù được Hội LHPN địa phương, Hội người khuyết tật và các đoàn thể, các nhà hảo tâm, ủy ban xã quan tâm giúp đỡ, nhưng kinh tế của các chị vẫn gặp nhiều khó khăn. Để tạo dựng được một cơ sở việc làm cho chị em phụ nữ khuyết tật, chị Hạnh đã trải qua nhiều gian lao, vì thế chị mong muốn dịch bệnh mau chóng được kiểm soát để cơ sở may mặc tiếp tục có nguồn thu, đảm bảo đời sống cho chị em.
Chia sẻ về cơ sở may, chị Hạnh cho biết, bản thân chị vốn là người khuyết tật, có tuổi thơ bất hạnh, chị cảm thông hơn ai hết những mảnh đời giống như chị, vì thế, ý tưởng sản xuất các sản phẩm may mặc từ bàn tay khéo léo của các chị em phụ nữ khuyết tật là sự nỗ lực hết mình từ khối óc và con tim chị, để sẻ chia những khó khăn cho chị em.
"Bản thân tôi sinh ra đã mang tấm thân gầy còm, yếu ớt. Ở một vùng nông thôn nghèo khó, tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và người thân, được học hành tử tế, là con ngoan trò giỏi đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Mặc dù các bạn trong lớp xa lánh vì hình hài dị tật của tôi, nhưng tôi đã xóa bỏ rào cản mặc cảm tự ti để cố gắng vươn lên và vượt qua số phận", chị Hạnh chia sẻ.
Để thể hiện tính năng tự lập, chị đã đi bán hàng rong bên lề đường để mưu kế sinh nhai. Vì gia đình nghèo khó nên khi chưa học hết cấp hai chị đã đã tìm con đường khởi nghiệp bằng nghề thợ may. Suốt 3 năm ròng rã vừa buôn bán vừa học nghề, chị Hạnh cố gắng vươn lên và vượt qua tự ti của bản thân, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Với ý chí nghị lực của bản thân "tàn nhưng không phế", ngày đêm chị miệt mài học nghề để một ngày chị trở thành cô thợ may giỏi.
Bằng đồng tiền dành dụm khi bán hàng rong chị đã sắm cho mình một chiếc máy may cũ với mơ ước trở thành một nhà may có tiếng. Vừa học lý thuyết vừa có phương tiện thực hành nên tay nghề của chị ngày càng phát triển. Cho đến nay, không chỉ cắt may, chị còn dạy cho hơn 50 học trò ra nghề may thành thạo. Cùng với đào tạo, chị bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề may mặc, vừa mua bán vải, vừa cắt may, khách hàng đến với cơ sở may của chị ngày càng đông.
Xuất phát từ bản thân là người khuyết tật, với một tấm lòng đam mê may mặc cũng như sự tìm tòi ham học về thời trang, chị Hạnh đã mang ý tưởng khởi nghiệp may mặc của người khuyết tật với sản phẩm may mặc đến từ chị em phụ nữ khuyết tật như áo sơ mi, quần tây, đồ bộ, áo kiểu... tham dự cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của tình Thừa Thiên Huế.
Chị Hạnh cho biết, hiện nay các mẫu mã sản phẩm may mặc ngày càng đa dạng đòi hỏi bản thân của một người thợ may phải khéo léo để nắm bắt được xu thế nhu cầu khách hàng. Nhanh chóng nắm bắt thị trường và xu thế phát triển của công nghệ thông tin, chị Hạnh đã và đang dần dần áp dụng quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội như facebook, zalo, các trang thương mại điện tử... nhằm thu hút nhiều khách hàng biết đến với cơ sở.
Mặc dù đã có những tiến triển nhất định, nhưng theo chị Hạnh, khó khăn ở chỗ các chị em phụ nữ khuyết tật việc đi lại, di chuyển không được thuận lợi, không đủ máy móc, kinh phí còn hạn chế, sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ ổn định, cạnh tranh về giá cả và mẫu mã trên thị trường cũng là một bài toán khó.
Được biết, Hội LHPN xã Quảng Thành thường xuyên quan tâm thăm hỏi động viên chị Hạnh, đặt biệt trong thời gian dịch Covid -19 thời gian qua.
Theo chị Huỳnh Thị Kiều – Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay, Hội thường tới nhà thăm hỏi động viên chị Hạnh, bên cạnh đó vận động bà con quyên góp, tặng quà như mì tôm, đồ sát khuẩn tới chị. Ngoài ra, Hội tạo nguồn khách hàng cho chị Hạnh như may đồng phục cho các trường học, giới thiệu chị em trên địa bàn khi có nhu cầu may đồ thì tới nhà may của chị Hạnh.
Trong Hội LHPN xã có một CLB phụ nữ đơn thân, chị Hạnh cũng là một thành viên của CLB, chính vì thế chị có nhiều cơ hội chia sẻ cũng giao lưu với mọi người. Chị Kiều hy vọng, thời gian tới có thể giúp chị Hạnh nhiều đầu mối đặt hàng may hơn, giúp chị có thu nhập tốt hơn nữa.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Hạnh dự kiến trong thời gian tới sẽ kết hợp với CLB phụ nữ khuyết tật huyện Quảng Điền để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giúp chị em tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm thêm các đối tác phù hợp để nhận thêm các đơn hàng hợp đồng của các công ty. Cùng với đó, chị cũng tích cực tham gia các khóa tập huấn của các cấp hội phụ nữ, nhằm nâng cao kiến thức về kinh doanh và hướng tới xây dựng nhà xưởng, mở rộng thương hiệu để có thể tại thêm thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật tại địa bàn.
Chị Hạnh mong muốn được sự hỗ trợ vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để các chị có thể mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khuyết tật, cải thiện đời sống cho chị em. Chị cần lắm những bàn tay nhân ái, những mạnh thường quân giúp đỡ để chị em phụ nữ khuyết tật có động lực vượt lên chính mình.
Bằng ý chí nghị lực cũng như sự đam mê, yêu nghề chị Hạnh đã góp phần vào việc thay đổi kinh tế của bản thân và tạo việc làm cho người khuyết tật tại địa phương.
An Khê - Ảnh: NVCC
Chị Huỳnh Thị Hạnh – Chủ cơ sở may Nguyên Hạnh.
Địa chỉ: Huỳnh Thị Hạnh Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điện thoại: 038 4346723.