Sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chị Cồ Thị Hiền sống giữa những cánh đồng dong riềng đỏ rộng mênh mông. Người dân địa phương chỉ biết trông đợi vào thương lái tới mua nguyên liệu thô. Nhưng giống dong riềng truyền thống này cũng dần bị mai một, thay thế bằng các giống "dong cao sản", làm ra những sợi miến công nghiệp, không còn thơm, còn dai và vị tự nhiên của dong riềng đỏ.
Ở trong một gia đình có 3 thế hệ làm miến truyền thống, những câu chuyện kể của mẹ chồng về ông bà nội cùng những vất vả nghề tráng miến thủ công đã thúc giục chị Hiền bắt đầu hành trình đi tìm hương vị của miến xưa. Cơ sở sản xuất miến dong Hưng Hiền đã được ra đời tại thôn Thành sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, là những củ dong riềng đỏ bản địa của người dân tộc vùng núi Lào Cai, chị Cồ Thị Hiền đã sử dụng những ưu điểm của quy trình sản xuất thủ công truyền thống để làm miến. Dong riềng đỏ được thu gom và được sơ chế thật tỷ mỉ, kỹ lưỡng cho ra những mẻ tinh bột nguyên chất; sau đó được tráng thủ công, sau đó đem phới dưới ánh nắng mặt trời Tây Bắc.
Hoàn toàn không có chất bảo quản nào được thêm vào miến, vì thế, sợi miến dong Hưng Hiền luôn giữ được độ dai giòn, vị ngọt của miến xưa. Khi nấu lên sợi miến trong, dai không bị nát dù có được nấu lại nhiều lần, chị Hiền giới thiệu.
Đưa miến dong truyền thống đi xa
Tự tìm tòi và học hỏi các kiến thức để phát triển cơ sở sản xuất, nhưng chị Cồ Thị Hiền vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cơ sở sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, quy trình được truyền qua các thế hệ trong gia đình và sản phẩm chỉ tiếp cận với phân khúc khách hàng tại địa phương, khách quen lâu năm.
Mặc dù sản phẩm có chất lượng, có doanh thu nhưng cơ sở sản xuất của chị vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có và vẫn phải vật lộn để cạnh tranh với các cơ sở sản xuất miến khác trong vùng. Bên cạnh đó, cơ sở của chị chủ yếu sản xuất và bán thô, đóng trong túi nilon, không có nhãn mác, bao bì cũng như thiếu các hoạt động quảng bá, tiếp thị.
Để khắc phục những hạn chế đó, năm 2020, chị Hiền tham gia chương trình hợp tác giữa Dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch" (GREAT) và Hội LHPN tỉnh Lào Cai với mong muốn dự án sẽ giúp thúc đẩy doanh nghiệp nữ mở rộng kinh doanh. Chị Hiền được trang bị kiến thức và kỹ năng mới về quản trị kinh doanh, được tư vấn liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tư vấn các thủ tục hành chính, pháp lý trong kinh doanh, quản lý doanh nghiệp và đăng ký nhãn hiệu.
Chị cũng được hỗ trợ về thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, đóng gói, truy xuất nguồn gốc và đăng ký dự thi sản phẩm tiêu biểu của mỗi địa phương (OCOP). Đồng thời, chị cũng được kết nối mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh như qua các đại lí, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, tờ rơi, kênh truyền miệng và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Đặc biệt, cơ sở sản xuất miến dong của chị Hiền còn được tư vấn sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Cụ thể, để làm mới và tăng thêm giá trị dinh dưỡng cho món miến dong truyền thống, cơ sở sản xuất của chị Hiền là một trong những cơ sở đầu tiên sáng tạo, sử dụng củ sâm đất, một vị thuốc quý của vùng núi cao để làm nên sản phẩm miến sâm đất độc đáo. Miến sâm được sản xuất 60% tinh bột dong giềng đỏ và 40% củ hoàng sin cô (củ sâm đất) cho ra sản phẩm miến sâm màu vàng sẫm, dai ngon, thanh mát, phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường hay người có chế độ ăn kiêng.
Tạo việc làm cho phụ nữ địa phương
Đến nay, sản phẩm của Hưng Hiền đang được bán tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Bắc Giang, Yên Bái, Thái Bình, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc. Năm 2020, cơ sở sản xuất 12 tấn miến dong, tổng doanh thu đạt 920 triệu đồng, lợi nhuận thu về là 300 triệu đồng.
Cơ sở sản xuất miến Hưng Hiền đã giải quyết công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho 14 lao động (3 nam, 11 nữ), lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Để có nguồn nguyên liệu đầu vào từ 150 tấn củ dong riềng đỏ, cơ sở Hưng Hiền đang thu mua tại xã Bản Xèo và các xã giáp ranh có cùng thổ nhưỡng như Pa Cheo, Dền Thàng, Ngải Thầu và Cốc Mỳ, tạo công ăn việc làm cho 20 hộ dân quanh vùng.
Chị Hiền phấn khởi: Khởi nghiệp giúp mình thực hiện ước mơ, tăng thêm thu nhập, tạo nhiều giá trị cho bản thân cũng như giúp cho chị em hội viên, phụ nữ trong chi hội, trong thôn có việc làm, có tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới".
Trong năm 2020, chị Hiền tham gia ngày Phụ nữ Khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2020 được đạt giải xuất sắc và được lựa chọn tham gia Ngày Phụ nữ Khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2021. Chị Cồ Thị Hiền cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế và khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2020.
Quỳnh Phương