leftcenterrightdel
 Chị Sơn Thị Lang yêu thích và gắn bó với nghề đan lục bình

Thị trấn Cờ Đỏ, đặc biệt ở ấp Thới Hòa B, là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, đa phần đồng bào Khmer trên địa bàn đều thiếu đất sản xuất; nhiều hội viên, phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định, thậm chí phải bỏ đi làm ăn xa. Cũng như đa phần phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn, bản thân chị Sơn Thị Lang không có công việc ổn định; lúc chăn nuôi nhỏ tại nhà, khi thì đi bắt ốc, bắt cua kiếm sống qua ngày. 

Đến năm 2007, chị tham gia học nghề đan đát lục bình do Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho chị em phụ nữ đồng bào dân tộc. Nhờ sự khéo léo, cần cù, chị nhanh chóng học được nghề thành thục, từng bước làm ra các sản phẩm để tạo thu nhập cho gia đình.

Với mong muốn hỗ trợ cho chị em trên địa bàn có cuộc sống tốt hơn, chị Lang đã mạnh dạn thành lập tổ đan lục bình rồi sau đó thành lập Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ nhằm dạy nghề, tạo việc làm cho chị em. 

leftcenterrightdel
Chị Sơn Thị Lang với nghề đan giỏ lục bình của Hợp tác xã làng nghề Cờ Đỏ. Ảnh: Hữu Đức. 

 

"Thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Tôi phải đến từng nhà chị em để vận động, nhiều chị làm nghĩ làm nghề này thì không có đầu ra. Người này than, người kia than, thậm chí có người học nghề xong thì nghỉ. Khó vậy nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục vận động. Tôi tập trung chị em tại nhà mình rồi dạy nghề miễn phí cho chị em, dạy chị em làm sản phẩm nhanh, chất lượng. Khi đầu ra ngày càng nhiều thì thu nhập của chị em cũng tăng lên", chị Lang chia sẻ.

Từ cây lục bình, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã hình thành nên các loại sọt, giỏ; sau đó được giao cho công ty tiếp tục xử lý để xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các thành viên trong hợp tác xã còn cho ra đời các sản phẩm như: nón, giỏ xách, lồng đèn trang trí, vỏ bình hoa… cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Đến nay, Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ đã có 38 tổ viên, bên cạnh đó còn liên kết được hơn 100 chị em phụ nữ, chủ yếu là người Khmer trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm trên tháng cho doanh nghiệp. 

Theo chị Lang, để chủ động nguồn nguyên liệu, chị cũng vận động tổ viên tận dụng gom dưỡng lục bình sẵn có trên sông, kênh rạch địa phương, thay vì phải đi mua như trước đây. Đồng thời hướng dẫn mọi người cách cắt tỉa thu hoạch, phơi để đảm bảo giữ được cọng lục bình đẹp, để làm nên sản phẩm thủ công chất lượng. Qua đó, ngày càng nâng cao hiệu quả; thu nhập của mỗi tổ viên, thành viên tham gia hiện dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình.

leftcenterrightdel
Nghề đan lục bình mang lại cuộc sống tốt hơn cho hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn 

 

Nếu như trước đây, đa phần tổ viên tham gia vào Hợp tác xã phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phải lao động xa nhà thì đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của các tổ viên ngày càng tốt hơn. Từ đó, góp phần giúp chị em đồng bào Khmer thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", qua đó nâng cao quyền năng kinh tế cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn. 

"Nói chung là cuộc sống hội viên, phụ nữ đồng bào Khmer trên địa bàn trước đây khó khăn dữ lắm. Từ khi thành lập Hợp tác xã đến nay thì cuộc sống thay đổi chị em đang thay đổi tích cực; chị em có thu nhập để xây dựng nhà cửa khang trang hơn, con cái học hành đến nơi đến chốn. Điều này khiến tôi rất vui và tự hứa sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần giúp cho cuộc sống của đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng tốt hơn nữa", chị Sơn Thị Lang chia sẻ.

Mộc Miên