CEO Nguyễn Thu Hiền: Khởi nghiệp thời trang hữu cơ biết khó nhưng vẫn chọn


Thời trang hữu cơ (Organic fashion, thời trang sạch bền vững hay thời trang thân thiện với môi trường) dường như là sản phẩm chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay, tại sao chị lại chọn lĩnh vực kinh doanh này để khởi nghiệp?


Chị Nguyễn Thu Hiền, nhà sáng lập Mimi Organic & Natural Life:
Ban đầu, tôi chỉ có mong muốn tìm kiếm một sản phẩm an toàn, tốt cho bé và gia đình mình, để tôi không cần phải đặt hàng từ nước ngoài xa xôi và chờ đợi thật lâu mới có được sản phẩm trên tay.

Khi quyết định đó là mô hình để khởi nghiệp, câu hỏi đặt ra của tôi là “làm điều gì đó mình thực sự đam mê” và thứ hai là “phải là điều gì đó khác biệt, mới mẻ”. Bởi lẽ không thực sự đam mê sẽ không khiến mình có đủ sức mạnh để theo đuổi đến cùng và không khác biệt đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh để sống sót là rất mong manh.

Lựa chọn sản phẩm làm từ chất liệu hữu cơ đạt được cả 2 tiêu chí vừa mới ,vừa là sản phẩm bản thân cảm thấy yêu thích vì nó an toàn và thân thiện, yên tâm khi sử dụng.

Bên cạnh đó, hiện nay khái niệm hữu cơ hay các sản phẩm sạch đang trở thành xu hướng. Con người ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và môi trường.

Đó là những lý do khiến tôi tôi chọn khởi nghiệp về lĩnh vực này ngay từ khi có ý định muốn kinh doanh.


Thời trang hữu cơ mang đến cảm giác dễ chịu hơn khi mặc và hạn chế dị ứng trên da do trong quá trình sản xuất không sử dụng các chất hóa học


Được biết, chị đang có một công việc rất ổn, thu nhập tốt nhưng chị quyết tâm chọn lĩnh vực kinh doanh thời trang hữu cơ. Vậy, gia đình, ông xã (người cũng là một doanh nhân) có ủng hộ quyết định này của chị?

Kinh doanh đồng nghĩa với rủi ro vì thị trường khó đoán. Mọi người đều nghi ngờ về ý định khởi sự kinh doanh của tôi, bởi tôi đang có một công việc mà trong con mắt mọi người là khá tốt, vừa ổn định vừa thu nhập tốt.

Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ khác, tôi thực sự muốn thuyết phục gia đình bằng kết quả. vậy nên tôi cũng không chia sẻ nhiều về việc kinh doanh của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn đang trong thời gian cố gắng chứng minh cho sự lựa chọn khởi nghiệp của bản thân.

Còn chồng tôi, thời gian đầu cũng không ủng hộ kế hoạch khởi nghiệp của tôi vì nghĩ là tôi sẽ không chịu nổi sức ép về công việc khi kinh doanh.

Tuy nhiên, sau một số lần đưa tôi đi gặp đối tác thì anh ấy mới tin là tôi đam mê và thực sự muốn thực hiện kế hoạch khởi sự kinh doanh này. Sau đó thì tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chồng.

Những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của chị là gì? và chị đã khắc phục khó khăn đó như thế nào?

Khó khăn thì rất nhiều: khó khăn về vốn, về nhân sự, về kinh nghiệm, về thời gian…Tôi nghĩ rằng ai khởi nghiệp cũng sẽ gặp phải những vấn đề này, chỉ là ít hay nhiều.

Còn tôi khi bắt đầu khởi nghiệp thì lại chọn một hướng đi tương đối mới mẻ, sản phẩm mới, bản thân chưa có nhiều kiến thức và hiểu biết về thị trường. Thời điểm này tôi vẫn coi là giai đoạn thử thị trường và vẫn đang từng bước khắc phục những khó khăn trên.

Với mong muốn mang lại sản phẩm tốt cho con, cho mọi người, CEO Thu Hiền đã quyết định khởi nghiệp với thời trang hữu cơ (Organic fashion) - một lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ tại Việt Nam.


Không nhiều vốn, tôi chọn những kênh phân phối không mất nhiều chi phí đầu tư, hợp tác với các đối tác theo hình thức kinh tế chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.

Để tích lũy về kinh nghiệm, tôi tham gia các hiệp hội trong ngành, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Còn nhân sự, đó luôn là vấn đề nan giải.

Đa số những người khi bắt đầu khởi nghiệp đều cho rằng, khó khăn khi khởi nghiệp là vấn đề tài chính (vốn) còn chị thì sao?

Vốn đúng là một tiêu chí hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu tìm ra một tiêu chí quan trọng nhất thì tôi nghĩ rằng đó là con người, tức là những người có thể đồng hành cùng với mình, kiên trì theo đuổi mục tiêu cùng với mình.

Thiếu vốn, mình có thể huy động gia đình, bạn bè, nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm… Hoặc cùng lắm là có ít tiêu ít có nhiều tiêu nhiều, vẫn có cách để xoay xở.

Nhưng thiếu người, nhất là giai đoạn đầu khởi sự nhiều vất vả, không tìm được người hỗ trợ thì có lẽ ý tưởng cũng sẽ chỉ là ý tưởng hoặc sẽ cực kỳ vất vả để đi đến đích vì một mình thì không thể làm hết được.

Như chia sẻ ở trên, vấn đề nhân sự luôn là khó khăn nan giải.

Nếu được chọn lại, chị có chọn thời trang hữu cơ để khởi nghiệp không?

Mô hình tôi chọn và đang hoàn thiện chính xác là mô hình tôi muốn theo đuổi. Nếu như có gì đó nuối tiếc, thì đó là tại sao ý tưởng đó không đến sớm hơn.

Với một người tiêu dùng thông thường, yếu tố đẹp và rẻ vẫn là hai tiêu chí cơ bản khi chọn một món đồ,  thời trang hữu cơ không chỉ hiếm mà vẫn đang nằm xa tầm với của đa số người tiêu dùng bởi giá thành cao, mẫu mã không đa dạng. Vậy chị có nghĩ sản phẩm của mình có thể dễ dàng cạnh tranh trên thị trường vốn còn ham giá rẻ như hiện nay?

Với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thì tiêu chí rẻ là quan trọng nhất. Còn như thế nào là đẹp thì còn tùy vào thẩm mỹ của từng người.

Thời trang hữu cơ không hiếm, chỉ là chưa quen với người tiêu dùng Việt Nam do giá thành cao. Mẫu mã không phải vấn đề vì hoàn toàn do người thiết kế và sản xuất.

Thứ nhất, tôi chọn các mẫu đơn giản, nhẹ nhàng với thông điệp “đẹp từ những điều đơn giản nhất”. Không cần rườm rà. Mẫu càng phức tạp sẽ càng nhanh chán. Và thực ra đẹp tự nhiên, đẹp đơn giản mới là khó. Sản phẩm chỉ cần 1 điểm nhấn là đủ, và để tạo ra được điểm nhấn đó đòi hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết kế và kỹ năng thực hành phức tạp.

Không chỉ vậy, từng đường kim mũi chỉ, từng nguyên liệu đầu vào được lựa chọn kỹ càng. Tổng thể các điều đó làm cho sản phẩm đơn giản nhưng lại tạo nên sự khác biệt và khó bắt chước.

Thứ hai, tôi chọn sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và lựa chọn xu hướng tiêu dùng bền vững, không phải tiêu dùng nhanh.

Một sản phẩm an toàn, thân thiện với thiết kế cơ bản để có thể dùng lâu dài, thân thiện với môi trường sống của chúng ta. Khi đó, giá thành nó thực ra không hề cao.


Thời trang hữu cơ vẫn là sản phẩm khá mới mẻ tại Việt Nam


Tôi nghĩ rằng sẽ có phân khúc thị trường nhất định cho sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm hữu cơ, mặc dù phân khúc ấy hiện tại ở Việt Nam chưa lớn. Phân khúc này dành cho những khách hàng kỹ tính, yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm cho trẻ nhỏ, hơn là chỉ cần giá rẻ vì “tiền nào của nấy”.

Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện, mức sống của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam, hiện tại sản phẩm của Mimi Organic & Natural Life không chỉ có quần áo mà mở rộng ra nhiều thứ khác, đem đến nhiều sự lựa chọn với nhiều mức giá cho khách hàng như đồ lót, chăn ga, khăn, đồ chơi…

Tất cả đều đảm bảo tiêu chí có nguồn gốc tự nhiên, sử dụng màu tự nhiên không qua tẩy trắng và không nhuộm màu, không để lại dư lượng hóa chất trên sản phẩm và có chứng nhận chất lượng.

Dịch vụ “Quà tặng từ Trái tim”  đem đến thêm sự lựa chọn cho khách hàng khi cần tặng quà cho ai đó bằng các sản phẩm đến từ thiên nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe, thân thiện với mọi loại da nhạy cảm nhất. Mimi tin rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim.

Tôi cũng mong muốn trong lương lai xa hơn sẽ hướng đến xuất khẩu để mở rộng thị trường.  

Vừa đi làm, chăm con nhỏ và làm chủ một doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chị đã sắp xếp thời gian như thế nào để mọi việc chu toàn?

Thực sự đó là thử thách đối với tôi. Nhưng có một điều, khi làm công việc mình đam mê thì mình có sức mạnh để tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi để suy nghĩ, để làm việc. 

Chị có thể chia sẻ một kỷ niệm chị nhớ nhất trong quá trình  khởi nghiệp?

Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng nhớ nhất trong giai đoạn khởi sự đến nay thì đó là khi tôi và các cổ đông không thể tìm thấy tiếng nói chung. Mọi người cuối cùng quyết định là sẽ không tham gia công việc nữa, mọi việc sẽ để tôi làm theo cách của tôi.

Đó thực sự là một giai đoạn khó khăn khi mọi thứ còn mới mẻ và không có người đồng hành.

Sau 3 năm khởi nghiệp (từ 2016 đến nay) so với số vốn ban đầu bỏ ra, chị đã có lợi nhuận chưa?

3 năm là khoảng thời gian từ khi tôi bắt đầu có ý tưởng đầu tiên về việc “cần phải làm một cái gì đó thực sự khiến mình tâm huyết”.

Công ty chính thức thành lập là giữa năm 2017. Tôi nghĩ rằng với một doanh nghiệp mới, cần thời gian ít nhất 5 năm để thử thách. Nếu vượt qua được 5 năm ấy, nghĩa là sống sót và bắt đầu xét đến lợi nhuận - ở đây là tạo ra lợi nhuận một cách ổn định. Còn trước đó, chưa có gì là chắc chắn cả.


Cửa hàng thời trang hữu cơ của chị Thu Hiền tại Hà Nội


Chị có chia sẻ gì với những người đang muốn khởi nghiệp?

Với tư cách là một người đã và đang trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh, tôi nghĩ rằng kinh nghiệm rút ra lớn nhất đó là: hãy chuẩn bị thật nhiều thật nhiều năng lượng và sự kiên trì để thực hiện ý tưởng, đam mê khởi nghiệp của bản thân.

Được biết, hiện nay chị mới chỉ có một cửa hàng bày bán sản phẩm, chủ yếu là bán online, chị có kế hoạch phát triển thêm thị trường không?

Tương lai gần, nếu mọi việc suôn sẻ, tôi dự kiến sẽ mở thêm 1 cửa hàng tại chính địa điểm đặt văn phòng làm việc ở Hà Nội và có thể sẽ tiến vào thị trường TP.HCM.

Tôi vẫn đẩy mạnh các kênh online vì đây vẫn là thị trường tiềm năng và xu hướng mua sắm online sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Song song với đó, tôi muốn được hợp tác với các đối tác có cùng tình yêu với các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên, đi cùng với những người khổng lồ sẽ giúp mình tạo độ phủ nhanh chóng hơn.

Cảm ơn chị về những chia sẻ khá thú vị!

Chị Nguyễn Thu Hiền - 32 tuổi, ở Hà Nội - là nhà sáng lập (Founder) kiêm CEO Công ty Cổ phần Gia đình Mimi. Xuất phát từ mong muốn tìm kiếm sản phẩm tốt cho con và đam mê với các sản phẩm từ thiên nhiên, chị đã quyết định khởi nghiệp với thời trang hữu cơ (Organic fashion) - một lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ tại Việt Nam.

Theo nhadautu