Những chiếc bánh trung thu đặc biệt
Suốt 3 năm làm nhân viên ngân hàng, Thùy Dương nhận ra mình thích làm bánh nên quyết định xin nghỉ việc để theo đuổi đam mê của bản thân. Năm 2019, cô bắt đầu mở tiệm kinh doanh, trong đó có bánh trung thu.
“Bản thân đã làm bánh từ thời sinh viên đến lúc là nhân viên văn phòng, nên khi đã có đủ tiềm lực kinh tế, mình đã theo đuổi công việc dành trọn niềm đam mê nhất”, Thùy Dương chia sẻ.
Điểm khác biệt của Dương là thích đưa sự sáng tạo của mình vào mỗi chiếc bánh trung thu thay vì làm ra những dòng sản phẩm đơn điệu, thông thường. Và nổi bật nhất là những sản phẩm mang chủ đề văn hóa dân gian.
“Mình rất thích văn hóa Việt Nam nên hay nghĩ ra các chủ đề liên quan để sáng tạo lên bánh. Trong lúc suy nghĩ ý tưởng cho mùa trung thu năm nay, mình vô tình thấy những tác phẩm điêu khắc gỗ có màu sắc tương đồng với vỏ bánh nướng nên quyết định tạo ra các mẫu bánh đặc biệt có nhiều hình dáng hơn”, cô cho hay.
Thay vì làm bánh trung thu có hình tròn hay vuông, Dương bắt đầu khéo léo tạo ra những mẫu bánh độc đáo có hình cá chép, chú bé chăn trâu thổi sáo, gà trống hay góc làng quê với đầy đủ mái đình, cây đa, giếng nước.
“Mình sẽ nặn nhân bột trà xanh, đậu xanh, hạt sen theo hình dáng mong muốn, sau đó bọc qua 1 lớp bột bánh rồi ráp từng chi tiết lại với nhau và cuối cùng là nướng để ra thành phẩm. Các bước tuy đơn giản, nhưng mình tốn từ 1-2 ngày để làm ra 1 chiếc bánh trung thu theo chủ đề văn hóa dân gian”, Dương chia sẻ.
Trong số các tác phẩm của Dương, chiếc bánh hình gà trống lấy cảm hứng từ gà Đông Tảo ở Hưng Yên được chăm chút nặn từng sợi lông, đôi mắt, mỏ và cặp chân to đặc trưng với chiều cao 25 cm.
“Ban đầu do mình chưa biết định lượng nên nặn bánh to, khi cho vào lò nướng thì bị nở ra làm mất đi hình dạng. Về sau mình cho bánh nhỏ lại và nướng trong 30 phút mới được hình gà trống đẹp như vậy”, cô cho hay.
Văn hóa Việt Nam trên mỗi chiếc bánh
Theo nghề bánh hơn 4 năm, đến nay Thùy Dương có thể làm nhiều loại khác nhau như: bánh Âu, bánh kem hoa, bánh mì, bánh trung thu… và đều có sự sáng tạo riêng. Điển hình như trung thu năm 2021, cô đã vẽ tranh Đồng Hồ lên bánh và nhận nhiều phản hồi tích cực.
“Mình rất thích văn hóa dân gian VN nên những chiếc bánh làm ra đa phần có câu chuyện và hình dáng gần gũi, hài hòa với bản sắc dân tộc. Mình muốn người nước ngoài nào khi tìm kiếm từ khóa “bánh trung thu” trên internet đều có thể bắt gặp được bánh có hình ảnh về văn hóa Việt Nam”, cô chia sẻ.
Bên cạnh việc làm bánh, Thùy Dương còn là người giáo viên tận tình chia sẻ kinh nghiệm đến với những người cùng đam mê, cô thường hay có các lớp dạy ở Hà Nội và TP.HCM.
Từng là khách hàng thân thiết và trở thành học viên của Thùy Dương, Lê Thị Thu (26 tuổi), ngụ tại H.Yên Mỹ (Hưng Yên), chia sẻ: “Mỗi mẫu bánh chị Dương làm đều rất tỉ mỉ và chăm chút nên khi thành phẩm sẽ rất bắt mắt, mang lại giá trị nhân văn rất lớn. Những mẫu bánh đặc trưng ấy, chị Dương không kinh doanh mà sẽ chia sẻ công thức và hướng dẫn mọi người rất nhiệt tình”.
Nói về những kinh nghiệm dành cho người trẻ muốn làm bánh trung thu tạo hình nghệ thuật, Thùy Dương bày tỏ: “Các bạn cần nỗ lực trau dồi kiến thức và kiên trì không từ bỏ nếu thực sự đam mê làm bánh, vì công việc này đòi hỏi về sức khỏe và sức chịu đựng cao. Đặc biệt là đảm bảo đầu óc luôn thoải mái, vì đây là công việc về sáng tạo, nếu bị áp lực sẽ không sinh ra được ý tưởng”.
Theo Thanh niên