Chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh các quý cô xúng xính với tà áo dài dập dìu trong gió để phô diễn vẻ đẹp thanh thoát của mình trong những ngày lễ đặc biệt. Nhân dịp này, ekip Nữ Doanh Nhân đã gặp gỡ một nhân vật hết sức đặc biệt, đó là nhà thiết kế áo dài Trisha Võ (tên thật: Võ Phúc Minh Thư), Giám đốc Sáng tạo và Marketing của thương hiệu áo dài Liên Hương. Quyết định kế nghiệp người mẹ tài giỏi đã gầy dựng thương hiệu thành công 25 năm qua, Trisha Võ hứa hẹn sẽ là nhân tố tiếp theo mang đến những giá trị trân quý và đáng tự hào về chiếc áo dài trong lòng người phụ nữ Việt. Bên cạnh đó, là một đại diện của thế hệ chuyển giao thế kỷ của những biến đổi văn hóa, chị còn mong muốn khơi gợi lên sự yêu thích và giúp cho sợi dây liên kết truyền thống với giới trẻ ngày càng bền chặt hơn thông qua chiếc áo dài.
Dù sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm áo dài, nhưng Trisha Võ lại được mẹ định hướng theo lối sống và tư duy hiện đại, tiếp thu nền giáo dục phương Tây từ khi chỉ mới là cô gái 17 tuổi. Sau nhiều năm du học ở nước ngoài, cô gái trẻ không chỉ thể hiện năng khiếu trong chuyên ngành thời trang mình theo đuổi mà còn nâng cao kiến thức kinh doanh cho bản thân bằng tấm bằng cử nhân. Ngay từ đầu, cô không nghĩ rằng bản thân sẽ theo đuổi con đường thiết kế áo dài và thừa kế thương hiệu gia đình, bởi ngoài việc sở hữu tố chất sáng tạo vốn đã không dễ dàng, nhưng để có được và duy trì lòng đam mê trong việc kế nghiệp lại càng gian nan hơn.
Và rồi Trisha Võ đã tìm thấy ngọn lửa nhiệt huyết ấy vì một dịp tình cờ từ chuyến tháp tùng mẹ và thương hiệu áo dài Liên Hương đi giao lưu văn hóa ở nước ngoài. “Trong chuyến đi ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra sự trân quý đến kinh ngạc của những người bạn quốc tế khi được nhìn ngắm những tà áo dài của Việt Nam tha thướt trên sân khấu. Sự trầm trồ và thán phục của họ khiến tôi dâng trào cảm xúc tự hào vì được là một người Việt Nam mang quốc hồn quốc túy của dân tộc ra thế giới. Cũng chính từ ngày hôm ấy tôi bắt đầu khao khát được làm điều gì đó cho chiếc áo dài và phát huy truyền thống của gia đình mà mẹ tôi đã cất công gầy dựng bao nhiêu năm qua. Và con đường nối nghiệp thương hiệu áo dài Liên Hương của tôi bắt đầu từ đó…”
Với kỳ vọng mang đến những giá trị mới qua góc nhìn của một người trẻ dấn thân vào ngành nghề mang tính văn hóa truyền thống, Trisha Võ cũng gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập với môi trường và phong cách làm việc. Nhưng khó khăn lớn nhất mà một người kế thừa trẻ phải đối mặt chính là làm thế nào để có thể được tự do bay bổng sáng tạo nhưng vẫn giữ được những chuẩn mực truyền thống để tiếp quản và phát triển thương hiệu áo dài đã thành danh lâu năm. Để làm được điều đó, việc đầu tiên cô bắt tay làm khi trở về Việt Nam là… “học” – học nghệ thuật cắt may hoàn chỉnh một chiếc áo dài từ những bí quyết gia truyền của người mẹ tài năng là nhà thiết kế áo dài Liên Hương. Chia sẻ về quá trình học hỏi “bộ môn” đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn này, Trisha Võ cho biết: “Khi cuộc sống ngày một hiện đại, cái gì cũng có thể sản xuất công nghiệp “trăm thứ như một” thì mọi người sẽ thấy trân quý hơn những món đồ mang tính thủ công cao, khác biệt và duy nhất. Nhưng không phải vì thế mà đồ thủ công truyền thống chỉ quan tâm đến bảo tồn mà không cần sáng tạo. Tuy nhiên, trước khi muốn phá cách nguyên bản của một món đồ truyền thống nào đó, điều trước tiên người thiết kế phải thấu hiểu được nguyên lý sáng tạo nền tảng. Đặc biệt, trong việc sáng tạo chiếc áo dài truyền thống vốn đã được “đóng khuôn” trong một phom dáng nhất định như có tay, có tà, cách cắt rập… đồng thời phải đáp ứng nhiều yếu tố chuẩn mực của một bộ quốc phục, việc làm mới lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là lý do tôi không gọi những người làm công việc này là người thợ, mà tôn vinh họ như những nghệ nhân. Bởi nhờ những bàn tay điêu luyện miệt mài ấy mà chúng ta mới có được chiếc áo dài đúng chất truyền thống, trông đơn giản nhưng thật ra lại vô cùng phức tạp và tỉ mẩn về kỹ thuật cắt may. Từ đó, tôi càng nhận ra rằng quyết định đi theo nghề mẹ của mình là đúng đắn và chưa bao giờ có chút ân hận nào về điều đó.”
Tiếp xúc với mùi hương gấm vóc, lụa là và hình ảnh chiếc áo dài với hai cánh tà mềm mại từ những ngày còn bé, tình yêu của Trisha Võ với bộ quốc phục của Việt Nam có thể nói ngập tràn trong huyết quản. Cùng tư duy thẩm mỹ hiện đại, trí tưởng tượng phong phú và cơ hội được đi đến nhiều nơi trên thế giới, cô gái trẻ luôn đặt cho mình trọng trách phải quan sát học hỏi để vận dụng được nhiều yếu tố mới mẻ vào thiết kế áo dài. Cô không ngừng đưa vào quy trình những kỹ thuật cắt may tiên tiến, các ứng dụng công nghệ in ấn mới để việc làm chiếc áo dài vẫn đảm bảo tính thủ công nhưng sắc sảo và tinh tế hơn, cùng với đó là nhiều chất liệu mới, điều chỉnh trong phom dáng cắt rập… cũng được cô nghiên cứu ứng dụng để nâng cao sự đa dạng cho mẫu mã và tạo nên nét uyển chuyển hơn cho từng mẫu áo dài mang tên Liên Hương.
Chia sẻ về mong muốn phát triển thương hiệu áo dài Liên Hương trong tương lai, Trisha Võ hào hứng cho biết: “Dù chiếc áo dài đã qua thời hưng thịnh và doanh nghiệp kinh doanh áo dài có thể gặp không ít trở ngại để duy trì nghề, nhưng là một nhà thiết kế lẫn người làm kinh doanh, tôi luôn có niềm tin rằng chiếc áo dài truyền thống vẫn có một vị trí quan trọng, được mọi người trân quý và luôn được xem là một bảo vật không thể thay thế của dân tộc. Vấn đề phải đối mặt lớn nhất chưa phải là hiệu quả kinh doanh, mà là sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội đối với chiếc áo dài. Dù theo đuổi phom dáng áo dài truyền thống, không lạm dụng sự cách điệu, nhưng với những nguyên tắc và bí quyết lâu năm mà áo dài Liên Hương luôn gìn giữ, tôi tin rằng sản phẩm của chúng tôi vẫn sẽ “hữu xạ tự nhiên hương” và góp phần mang đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường kinh doanh thời trang áo dài. Mỗi người phụ nữ hãy thử một lần tìm hiểu về chiếc áo dài truyền thống và ướm lên mình chiếc áo thướt tha để cảm nhận sự mỹ miều, nền nã và dịu dàng mà khó có mẫu trang phục nào có thể đem lại.”
Ẩn chứa trong chiếc áo dài còn là sự kín đáo, lễ nghĩa và chừng mực của người mặc thể hiện qua từng bước đi uyển chuyển trong dáng tà mềm mại. Kỹ thuật may làm nên sự tha thướt đó được giới nghệ nhân truyền tụng là kiểu may tà của phụ nữ Bắc ngày xưa, và thương hiệu áo dài Liên Hương tự hào là một trong những thương hiệu hiếm hoi đến nay vẫn dùng kiểu may tà truyền thống này. Với định hướng phát triển tà áo dài Việt dựa trên những bí quyết gia truyền độc đáo và đòi hỏi nhiều chi tiết như thế, Trisha Võ cho biết cô đã gặp không ít trở ngại trong quá trình tiếp cận hoạt động kinh doanh của gia đình khi phải đấu tranh giữa việc nên giữ gìn hay chọn cách làm đơn giản hiện đại hơn. Nhưng với ngọn lửa đam mê luôn nhen nhóm thôi thúc không ngừng, người kế thừa của thương hiệu áo dài Liên Hương vẫn tiếp tục vững bước qua nhiều khó khăn và không hề mai một ý chí trong việc bảo tồn những nét tinh túy của truyền thống áo dài.
Khi rất nhiều thương hiệu áo dài khác lựa chọn sự cách tân trong những năm gần đây, Trisha Võ nhận định: “Ngày nay, chiếc áo dài cũng không nằm ngoài xu hướng được may “công nghiệp hóa” để phục vụ nhu cầu đa dạng và nhanh gọn của người mặc, nên những tà áo dài truyền thống với phần vạt úp vào tựa sát ống quần cùng phần thân áo ôm trọn vòng eo phụ nữ theo kiểu may tà Bắc vốn làm kỳ công hơn đã không còn phổ biến. Khi hình ảnh những chiếc áo dài cách tân tràn lan trên đường phố, điều đó vô hình trung đã làm giảm đi giá trị và tiêu chuẩn của một bộ quốc phục và làm tôi cảm thấy chạnh lòng. Người con gái Việt Nam khi mặc áo dài phải thể hiện được vẻ đẹp “thắt đáy lưng ong” đầy kiêu hãnh, vẻ đẹp này chỉ có được khi người ấy chọn đúng chiếc áo dài phù hợp với số đo của dáng người, tôn lên ba vòng một cách thẳng thớm với chất liệu dày dặn nhưng vẫn đảm bảo những khuôn khổ về cắt may truyền thống.” Lời chia sẻ của Trisha cũng là những nguyên tắc mà một chiếc áo dài của thương hiệu Liên Hương đang sở hữu nhiều năm qua. Hơn ai hết, cô luôn khao khát có thể truyền tải về tiêu chuẩn làm sao để mặc một chiếc áo dài thật đẹp và giúp nó không bị hao mòn giá trị hay biến đổi bản sắc trong lòng mỗi con người Việt. Mặc dù thời trang là một ngành thay đổi mẫu mã từng ngày, nhưng Trisha Võ luôn tin rằng những chuẩn mực cơ bản vẫn phải tồn tại và giúp cho người sáng tạo như cô thêm bản lĩnh với những thiết kế của mình.
Về tương lai, Trisha Võ cho biết cô không dám đặt ra nhiều kỳ vọng quá lớn lao trong ngành này. Điều cô mong mỏi nhất là đủ động lực và nguồn lực để duy trì và phát triển thương hiệu thành một điểm đến cho mọi người trên thế giới tìm hiểu về chiếc áo dài đậm chất Việt. Xem đam mê là một lợi thế hàng đầu khi tiếp quản sự nghiệp của gia đình, Trisha Võ cho biết “điều gì cũng cần có quyết tâm”. Đó cũng là câu nói được cô lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt buổi trò chuyện với Nữ Doanh Nhân. Việc được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tìm hiểu quá trình phát triển của nhiều thương hiệu giúp cô luôn tin rằng cuộc sống là một quá trình học hỏi và không ngừng đổi mới, và người kinh doanh giỏi là người có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh để linh hoạt trong môi trường làm việc của mình miễn là họ có đủ quyết tâm.
Thế nhưng, phát triển ngành nghề truyền thống vốn không chỉ có quyết tâm của người làm chủ là đủ, mà còn cần sự đồng tình ủng hộ của toàn thể đội ngũ nghệ nhân và nhân viên. Khi được hỏi làm thế nào để truyền sự quyết tâm của mình đến cho cộng sự, Trisha Võ bộc bạch: “Để duy trì một doanh nghiệp thời trang thì yếu tố con người vẫn luôn là một vấn đề quan trọng nhất. Qua quãng thời gian thực sự làm trong ngành này, nhìn thấy cách mẹ đối xử với nhân sự ở các bộ phận khiến tôi nhận ra rằng người làm chủ chỉ có thể giữ chân nhân tài nếu quản lý họ với tư duy từ trái tim. Không chỉ tiếp xúc gần gũi với nhân viên và xử lý linh hoạt khi có tình huống phát sinh, tôi còn phải đặt mình vào vị trí của họ và thể hiện sự chân thành, bao dung tựa đối đãi với những thành viên trong gia đình. Để rồi từ đó, khi họ tìm thấy niềm vui trong công việc mà họ đã bỏ nhiều công sức và đồng cảm với những tâm huyết của tôi, họ sẽ lựa chọn sống tiếp với nghề và có thể góp phần giữ lửa, truyền nghề cho những thế hệ sau.”
Bên cạnh công việc, Trisha Võ cũng thể hiện bản thân là một người phụ nữ hiện đại khi biết tận hưởng cuộc sống, khám phá thế giới bằng cách du lịch hay dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Điều đó càng chứng tỏ rằng cô không chỉ là một người phụ nữ tri thức, theo đuổi đam mê mà còn biết yêu thương chính mình. Nói về quan điểm sống, một lần nữa, cô gái trẻ lại nhắc đến mẹ như nguồn cảm hứng quan trọng nhất trong cuộc đời: “Mẹ tôi là một người phụ nữ biết dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Khi chấp nhận cho tôi rời xa vòng tay bảo vệ của ba mẹ và đến với môi trường giáo dục nước ngoài, đó là khi mẹ giúp tôi có thể học cách đối mặt với mọi nghịch cảnh và tìm cách vượt qua nhưng vẫn giữ được sự thanh cao, tự trọng và sống trung thực để trở thành một người có giá trị.” Dù rằng cũng có những phút giây chùn bước khi quản lý công ty, nhưng Trisha Võ luôn lạc quan khi có thể góp phần trẻ hóa thương hiệu và chiếc áo dài của gia đình. Cuối buổi phỏng vấn, khi được hỏi rằng liệu phụ nữ có phải hy sinh hay đánh đổi điều gì để bước vào kinh doanh, chị đã tự tin cho biết sẽ không bao giờ đưa bản thân vào tình thế để hy sinh hay đánh đổi một điều gì đó. Và để làm được điều này, chị cũng nhắn nhủ rằng mọi người hãy tìm ra mục đích sống, có niềm đam mê kiên định với công việc mình làm thì tất cả đều có thể nằm trong tầm kiểm soát và giúp biến ước mơ của bản thân thành hiện thực.
Theo nudoanhnhan