Cô gái 9x Hoàng Thị Bích Ngọc đã chọn khởi nghiệp bằng một hướng đi riêng, gắn liền với bụi gỗ,
mùi hương gỗ, để cho ra đời các sản phẩm ý nghĩa

“Đóng đô” hàng ngày tại xưởng gỗ trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội, chịu trách nhiệm lên ý tưởng thiết kế mẫu mới, lọ mọ ngồi cùng các thợ xẻ gỗ, cắt hình, ráp nối để biến những tấm gỗ công nghiệp khô cứng thành nhiều món đồ lưu niệm, cô gái 9x Hoàng Thị Bích Ngọc đã chọn khởi nghiệp bằng một hướng đi riêng, gắn liền với bụi gỗ, mùi hương gỗ, để cho ra đời các sản phẩm ý nghĩa.

Có công việc ổn định tại một trung tâm Anh ngữ nổi tiếng ở Hà Nội nhưng cô gái này còn dành thời gian cho niềm đam mê riêng của mình, đó là những món đồ lưu niệm xinh xắn. Ngọc và một cô bạn chung vốn mở cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm và đồ dùng tiện ích.


Tìm được nguồn hàng đẹp, đảm bảo chất lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của cô chủ trẻ. Ý tưởng tự sản xuất những món đồ lư niệm từ nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam, phù hợp với người Việt bắt đầu nhen nhóm trong suy nghĩ của Ngọc.

Cô không bao giờ quên quãng thời gian rong ruổi khắp mọi nơi để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tìm xưởng gia công sản xuất đồ lưu niệm. Dành thời gian nghiên cứu thị trường, Ngọc quyết định chọn gỗ ép công nghiệp vì đây là chất liệu khá mới mẻ trên thị trường đồ lưu niệm.


Đây cũng là chất liệu có độ bền cao và giá thành hợp lý. Để tạo điểm nhấn riêng cho sản phẩm của mình, Ngọc đã chọn công nghệ cắt laser tạo ra hoa văn mềm mại, sắc nét chi tiết. Các công đoạn còn lại như lót giấy màu, ráp nối mảnh gỗ để hoàn thiện sản phẩm, tất cả đều làm bằng tay, tỉ mỉ và chính xác.

Năm 2014, những sản phẩm bằng gỗ đầu tiên mang thương hiệu gỗ Bách Mộc của Ngọc đã ra mắt thị trường.

Khó khăn không nản

Khi Ngọc thông báo sẽ nghỉ việc tại trung tâm tiếng Anh, tự mở xưởng sản xuất của riêng mình, cô đã phải vượt qua khá nhiều rào cản. Đầu tiên là bố mẹ không muốn con gái phải vất vả, kiên quyết phản đối, cấm không cho Ngọc kinh doanh riêng.

Cô bạn làm cùng Ngọc từ những ngày chập chững đưa sản phẩm ra thị trường, vì bận việc riêng cũng rút lui. Một mình cô phải xoay sở giữa bộn bề công việc, vừa lo sản xuất, vừa lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Có sản phẩm rồi, Ngọc tìm đến các khu bán đồ lưu niệm lớn để xin ký gửi hàng.

Cô chủ kiêm luôn nhân viên chào hàng và đi giao hàng cho khách. Lô hàng đầu tiên, Ngọc chẳng những không thu được lãi mà còn phải giải quyết những rắc rối khác. Thiếu kiến thức về kinh doanh, Ngọc không lường hết được các chi phí phụ như: tiền bao bì nylon bọc sản phẩm, sản phẩm lỗi do vận chuyển, nhập phải nguyên liệu không chất lượng... 

Đó là bài học lớn để cô tính toán chi phí, giá thành các sản phẩm sau này. Cứ thế, Ngọc vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm để vững bước hơn trên chặng đường khởi nghiệp với những món đồ lưu niệm bằng gỗ công nghiệp.
 
Đã có lúc cô muốn buông xuôi, để quay về an phận làm công ăn lương. Song, ngắm những món đồ lưu niệm đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường, Ngọc như được tiếp thêm động lực để cố gắng làm việc, cho ra đời thêm nhiều sản phẩm mới.

Được sự giúp đỡ của chị gái và anh rể, Ngọc tiếp tục phát triển thêm nhiều mặt hàng lưu niệm bằng gỗ của Bách Mộc. Từ một mẫu đèn hình sao ban đầu, Ngọc đã sáng tạo thêm hàng trăm mẫu đèn mới, với nhiều kích thước, hoa văn đa dạng hơn. 

Cùng với các sản phẩm tiện ích như: đèn, sổ tay, album ảnh, móc treo chìa khóa... cô phát triển thêm nhánh hàng lưu niệm như: khung ảnh, thiệp, mô hình lắp ghép 3D, quà tặng... Các sản phẩm Bách Mộc hướng đến là sự độc đáo, sáng tạo nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên và đáp ứng được nhu cầu riêng của từng khách hàng. 

Sau 3 năm mở đường cho gỗ bước vào thế giới quà tặng, đồ dùng nghệ thuật, sản phẩm của Ngọc đã có mặt ở nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm uy tín tại Hà Nội. Cô vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng cho những món đồ “made in Vietnam” của mình.

                                                                                                               Trần Lê