Chị Phượng (thứ 2 từ trái sang) cùng các cộng sự

 

Năm 2020 vừa qua, VinaCrab đạt giải Dự án đột phá sáng tạo tại Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Cùng năm, mô hình vinh dự được chọn là đề án thuộc Dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của tỉnh Phú Yên.

Từ ý tưởng đến giá trị

Chị Tạ Thị Phượng là một nữ giám đốc trẻ thế hệ 9x (sinh năm 1991), tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, người đồng sáng lập VinaCrab cùng chồng và các công sự. Nhiều năm qua chị đã đưa VinaCrab trên con đường xây dựng, trưởng thành, tạo dấu ấn trên thị trường kinh doanh hải sản.

Tạ Thị Phượng - Nữ CEO của Công ty CP VinaCrab (Phú Yên)

 

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp ban đầu, chị Phượng cho biết, rất tình cờ trong một lần ăn hải sản, chị đã chia sẻ với chồng về việc ăn cua không phải lột vỏ. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Nghĩa vốn làm trong ngành thuỷ sản, với tình yêu thương dành cho vợ cùng với "máu nghề" liền tìm hiểu về cua lột. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thủy sản, anh Nghĩa đã tìm hiểu kỹ càng hơn. Đến 2018, anh Nghĩa tạo ra công nghệ nuôi cua lột thành công bằng thử nghiệm trong mô hình gia đình và đạt tỷ lệ lột cao. Từ đó, anh khẳng định Việt Nam cũng sản xuất được cua lột mà không cần phải nhập khẩu từ nước khác.

Trên cơ sở mô hình nuôi cua lột ở gia đình, công ty CP VinaCrab (Phú Yên) do chị Tạ Thị Phượng, anh Nguyễn Văn Nghĩa cùng các cộng sự sáng lập từ năm 2018 và tạo dấu ấn với việc xây dựng mô hình nuôi cua nguyên liệu để sản xuất cua lột tại địa phương. Liên kết chuỗi các hộ nuôi là một phương án mà VinaCrab lựa chọn để cùng với bà con nông dân xây dựng vùng nuôi cua nguyên liệu. Mô hình được hình thành xuất phát từ việc người dân nuôi tôm, cua thịt ở khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch (Phú Yên) nhiều năm gần đây bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Để tạo ra sản phẩm cua lột chất lượng, giàu dinh dưỡng, VinaCrab khó tránh khỏi những khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp. Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững là nhiệm vụ hàng đầu của dự án, lựa chọn địa điểm, sàng lọc, phân khúc đối tượng được tính toán kỹ lưỡng. Tuy vậy trong lúc triển khai cũng gặp không ít khó khăn như điều kiện thời tiết, khí hậu bất lợi, bà con chưa thích nghi với mô hình sản xuất mới nên chúng tôi cần làm nhiều điểm trình diễn, diện tích vùng nuôi cua nguyên liệu nhỏ, công tác truyền thông nhiều...

Vợ chồng chị Phượng cùng các cộng sự của công ty CP VinaCrab

 

Một khó khăn nữa đó là nguồn vốn có hạn trong khi mô hình sản xuất mới, sản phẩm mới nên chưa có nhiều dữ liệu để các tổ chức tài chính thẩm định, dẫn đến việc khó tiếp cận số vốn lớn để VinaCrab mạnh dạng mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, bằng những bước đi chắc chắn về mô hình, công nghệ và định hướng chính xác về thị trường, VinaCrab đã dần vượt qua mọi trở ngại, phát triển mạnh mẽ ghi dấu ấn trên thị trường. Đến tháng 4/2019, VinaCrab có sản phẩm bán ra thị trường, chuyên cung cấp cho các nhà hàng.

Thành công từ xây dựng vùng cua nguyên liệu bền vững

Cua lột VinaCrab được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, được định hướng nuôi trong nhà kính để kiểm soát được tất cả các yếu tố môi trường nuôi, chủ động sản xuất và đảm bảo được chất lượng, trong đó có việc sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm được thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn xuất khẩu.

CEO Tạ Thị Phượng cho biết, hiện tại công nghệ sản xuất cua lột của VinaCrab đang sở hữu là công nghệ chưa công khai trên thế giới, vì vậy VinaCrab có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu. Hiện tại, kênh phân phối chủ yếu của Vinacrab là thị trường bán lẻ trực tiếp như nhà hàng, khách sạn,… đồng thời bán hàng online qua các trang thương mại điện tử như Facebook, Google doanh nghiệp. Chính vì thiếu kinh nghiệm trong chiến lược bán hàng nên VinaCrab chưa đẩy mạnh trong việc marketing sản phẩm. Trong tương lai, VinaCrab học hỏi thêm và sẽ đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu.

VinaCrab đang mở rộng thêm vùng nuôi cua nguyên liệu ở Trà Vinh để phục vụ đủ sản lượng cua lột cho khách hàng trong và ngoài nước

 

Trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, VinaCrab bán ra thị trường nội địa 3,5 tấn cua lột và có 5 hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật và năm nay có thêm 6 hộ.

Kế hoạch của VinaCrab trong năm là tạo ra 3 tấn cua trong sáu tháng tới, kết nối 20 hộ dân hướng dẫn cách nuôi cua theo hướng công nghiệp. VinaCrab đang mở rộng thêm vùng nuôi cua nguyên liệu ở Trà Vinh để phục vụ đủ sản lượng cua lột cho khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời vận động tuyên truyền, khảo sát các hộ có vùng nước sạch nhất để tạo doanh thu, từ đó tìm cách nhân rộng. Công ty cũng hướng dẫn cho khoảng 30 người dân cách trói cua và sơ chế con cua lột. Sau khi đã làm việc với 20 hộ, tháng 1/2021 đã thả cua giống và cung cấp 50% giống và bao tiêu để hộ dân mạnh dạn nuôi.

Với mục tiêu xây dựng vùng cua nguyên liệu bền vững nói không với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và các chất kích thích tăng trưởng, dự án đã góp phần cải thiện môi trường.

Với những thành công dựa trên sự phát triển bền vững và giá trị đích thực, nhiều năm qua, VinaCrab đã được công nhận là doanh nghiệp có nhiều đột phá, sáng tạo

 

Năm 2019, VinaCrab đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI tổ chức. Năm 2020, VinaCrab đạt giải Dự án đột phá sáng tạo tại cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Tháng 12/2020, doanh nghiệp vinh dự được chọn là đề án thuộc Dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của tỉnh Phú Yên và đang trong quá trình trở thành Doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Hiện nay, Công ty cổ phần VinaCrab là một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất cua lột. Sản phẩm của Công ty được tiêu thụ trong nước và đang hướng đến việc xuất khẩu ở các nước như Mỹ, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Chị Tạ Thị Phượng – Giám đốc Công ty cổ phần VinaCrab;

Email: vinacrab.org@gmail.com;

Điện thoại: 0976 399 359;

website: https://cong-ty-co-phan-vinacrab-cua-lot-so.business.site/

An Khê - Ảnh: NVCC