Các nữ lãnh đạo cơ quan báo chí và đại biểu tại buổi giao lưu các nữ Tổng biên tập


Tại buổi giao lưu các nữ Tổng biên tập trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2018, bà Chu Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn hóa, chia sẻ chưa từng nghĩ sẽ là lãnh đạo của một cơ quan báo chí; nhưng khi được đặt vào vị trí của người lãnh đạo ở lĩnh vực mà ngay cả nam giới cũng cảm thấy đầy áp lực, thì nữ lãnh đạo phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều.

Để bước qua áp lực, căng thẳng, nữ Tổng biên tập của Báo Văn hóa suy nghĩ giản dị: "Lãnh đạo là gây ảnh hưởng và truyển cảm hứng, chính là cách gây ảnh hưởng mạnh nhất, tạo động lực cho người khác tin tưởng, đi theo và tự nguyện cống hiến cho công việc”. Đặc biệt, với phóng viên và người lao động trong cơ quan báo chí khi được truyền cảm hướng, có niềm tin và động lực sẽ là “năng lượng cơ bản để tòa soạn vượt qua khó khăn và vươn lên”.

Chia sẻ quãng thời gian làm quản lý cơ quan báo chí, bà Chu Thu Hằng cho rằng, phụ nữ “dễ dàng đồng cảm và kết nối sâu sắc với mọi người xung quanh, thấu hiểu người lao động cũng như độc giả; từ đó tạo cảm giác gắn kết cho mọi người”. Cùng với đó, phụ nữ ở vị trí lãnh đạo điều hành có sự “minh bạch và chân thành”, theo bà Thu Hằng, sẽ tạo được niềm tin, truyền cảm hứng để dẫn dắt cơ quan từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức...

Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia, chia sẻ: “Trong nhưng đêm làm việc muộn, ai sẽ mang cho chúng ta cốc nước cam?”. Tưởng như chỉ là câu hỏi vui nhưng lại cho thấy, nữ nhà báo, phóng viên hay là nữ tổng biên tập, thì trước tiên họ vẫn là người phụ nữ mong muốn được san sẻ, yêu thương trong những lúc áp lực, căn thẳng từ công việc.

Tổng biên tập Tạp chí Thương gia nhìn nhận: “Tôi là một người phụ nữ cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, vẫn có những công việc và trách nhiệm cần phải gánh vác nhưng tôi vẫn muốn được cống hiến cho cái nghề đã được gọi là “định mệnh”. Đặc biệt, với vị trí người đứng đầu của một tờ báo tự chủ về tài chính trong thời kỳ kinh tế thị trường khó khăn, thì tòa soạn hoạt động với hình thức không khác một doanh nghiệp, phải đảm bảo kinh tế, lo “đầu ra - đầu vào”, cạnh tranh với mạng xã hội, nhưng vẫn phải đảm bảo thông tin, không được đưa tin bài giật gân câu khách.

Từ thực tế dẫn dắt tờ báo vượt qua được những khó khăn, vươn lên trở thành một tờ báo kinh tế mẫu mực, bà Thùy Dương khẳng định: Nữ giới làm báo thường là những người có đam mê, lòng yêu nghề và sức mạnh không thua kém bất cứ ai.  “Mở thêm cơ hội cho nhà báo nữ, phóng viên nữ, trao quyền cho phụ nữ để họ có thêm cơ hội thể hiện tài năng. Họ nhất định sẽ tỏa sáng”, bà Thùy Dương nói.

Buổi giao lưu cũng là dịp để các nữ Tổng biên tập trả lòng về nghề, về những khó khăn, rào cản cũng như thách thức đối với nữ nhà báo trong vị trí đầu tầu của cơ quan báo chí theo các chủ đề như “Cơ hội và thách thức đối với nữ lãnh đạo các cơ quan báo chí (Nhà báo Nguyễn Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ VN), Văn hoá và sức hút của người nữ lãnh đạo hiện đại (Nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn Hoá), Bình đẳng giới trong lĩnh vực báo chí (Nhà báo Nguyễn Thuỳ Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia), Tăng cường truyền thông để đẩy tiếng nói của phụ nữ tại các cơ quan báo chí (Nhà báo Trần Thị Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô)… 

"Hiện cả nước có 86 nữ Tổng biên tập, trong tổng số hơn 800 cơ quan báo chí - chỉ chiếm khoảng 10%. 
Đây là lần đâu tiên tổ chức buổi giao lưu các nữ Tổng biên tập. Cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp của các nữ nhà báo trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các cơ quan báo chí, góp phần đưa báo chí Việt Nam ngày càng phát triển và hạn chế những bất bình đẳng giới trong môi trường làm báo".

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Theo PHunuvietnam.vn