Ở Việt Nam, Huỳnh Hải Yến là người theo học các khóa chuyên nghiệp
về điều chế mùi hương tại nước ngoài, với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới
Huỳnh Hải Yến nhỏ nhắn, xinh xắn và tinh tế. Như cách mà những hương thơm do cô sáng tạo và chế tác quẩn quanh bên người phụ nữ đẹp. Như chiếc váy bông li ti mà cô mặc quá ton-sur-ton với màu áo. Giản đơn thôi, mà rất thích. Hay cũng như nơi chốn
Sài Gòn ơi - quán café của chị em Yến nằm ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Kế với nhà sách Nguyễn Huệ. Chỉ cần vô, đưa 3 ngàn đồng cho người giữ thang máy, thì họ cho mình bấm thang máy lên quán. Vì chung cư cũ ở ngay lõi trung tâm của Sài Gòn, nên chủ yếu được chủ nhà cho thuê. Có những việc hơi là lạ nhưng cũng dễ thương.
Yến thuộc thế hệ “lơi chơi” 7x, đừng hỏi tuổi phụ nữ, kỳ lắm. Những tháng năm thanh xuân của Huỳnh Hải Yến gắn với việc làm đẹp cho phụ nữ. Cô là nhà sáng lập ra chuỗi Thé Spa, cũng là nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Naunau.
Điều mà tôi mê nhất ở Yến, chính là vai trò nhà điều chế mùi hương của Y25 - House of Perfume. Mà tất nhiên, Yến không chỉ có thương hiệu nước hoa của riêng mình. Yến còn là nhà tư vấn mùi hương cho rất nhiều nơi.
Ví như bước vô khách sạn, resort 5 sao nào đó, nghe mùi hương ở ngay lobby, là của khách sạn ấy đã đặt Yến nghĩ ra phù hợp với phong cách riêng. Ở Việt Nam, người phụ nữ theo học các khóa chuyên nghiệp về điều chế mùi hương tại nước ngoài, với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới, chỉ có Huỳnh Hải Yến.
“Cách nay hơn chục năm, tôi làm về spa. Du khách Nhật Bản khi tới Việt Nam rất thích các mùi thơm thiên nhiên sẵn có của Việt Nam được áp dụng vào những nơi thư giãn. Hương thơm của gừng, sả, bạc hà, hương nhu... đã khiến nhiều du khách ngoại quốc mê mẩn.
Khi sang Thái Lan gặp 1 công ty đối tác làm về mỹ phẩm, tôi tình cờ quen biết nhà điều chế nước hoa người Anh. Ông mở khóa học điều chế mùi hương với sự tham gia của hơn 10 học viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi quyết định theo khóa học này, tìm hiểu ngọn ngành”, Huỳnh Hải Yến kể.
Bài tốt nghiệp của Yến là “Mùi Hội An”, được thầy đánh giá rất cao. Ông thầy hỏi: “Yến, em định bán mùi thơm này trong chai nước hoa giá bao nhiêu?”. Yến đáp: “Chắc khoảng 70 USD, vì giá tiền đó phù hợp với người Việt”.
Tuy nhiên, thầy giáo ngay lập tức không đồng ý. Ông nói, với mùi thơm đặc biệt này, chai nước hoa sẽ được định giá 200 USD!
Sau 3 tuần học nâng cao về điều chế mùi hương, năm 2015, Huỳnh Hải Yến mang niềm đam mê ấy về Việt Nam, mong muốn xây dựng thương hiệu nước hoa riêng, rất Việt. Cô đặt tên thương hiệu là Y25 - House Parfume - với 5 mùi hương đặc trưng của 5 thành phố có tên gọi đầy đủ là: Mùa thu Hà Nội; Hòn Ngọc Viễn Đông; Buổi sáng Đà Lạt; Biển Nha Trang; Hoi An Déjà Vu.
Huỳnh Hải Yến kể: “Nhiều người hỏi tôi sao không đặt tên nào cho dễ nhớ, mà lại là Y25. Có vẻ hơi khó hiểu. Có lẽ nó khó hiểu với mọi người nhưng với tôi, nó rất đơn giản. Là mã - code các mẫu nước hoa tôi làm ra trong khóa học đó.
Tất cả các lọ nước hoa mẫu làm ra đều phải dán nhãn cho vào hộp và đặt trên kệ của phòng học vào cuối ngày. Thường là tên của học viên và ngày tháng làm ra mẫu đó. Của tôi, tất cả chúng đều bắt đầu bằng chữ Y (chữ cái đầu tiên của tên Yến) và 2 chữ số tiếp theo là ngày tôi làm ra mẫu nước hoa đó.
Kỷ niệm quá đặc biệt, là khi tôi đang lúi húi dán nhãn - mùi Hội An với hương thơm của làng rau Trà Quế thì thấy đèn tắt hết và cả lớp hát
Happy Birthday to you. Tôi quay lại thì thấy thầy giáo và mọi người đang bưng 1 cái bánh sinh nhật tiến đến chỗ tôi.
Mặt đỏ bừng vì xúc động, tôi chẳng biết nói gì ngoài 2 chữ “Thank you”. Thầy giáo nói là ước gì đi. Khi ấy, tôi đã ước làm được bộ sưu tập nước hoa về các vùng đất ở Việt Nam mà tôi từng đi qua và có nhiều kỷ niệm… Đó là 1 ngày đáng nhớ và mùi nước hoa tôi làm hôm ấy là mùi đầu tiên của bộ sưu tập, tôi đặt tên cho nó là Hoi An Déjà Vu”.
Để hoàn thiện tác phẩm của mình, Huỳnh Hải Yến đặt gốm sứ Minh Long sản xuất chai riêng cho Y25. Dù biết, với nước hoa, các chai thủy tinh sẽ đẹp hơn, lung linh hơn nhưng Yến vẫn muốn sử dụng chất liệu gốm sứ, vì quá thuần Việt và hơn thế, ánh sáng không xuyên qua được thì sẽ bảo vệ mùi thơm lâu hơn.
Trong nhiều tháng, Yến và người thiết kế riêng của mình đã vẽ đi vẽ lại các hình vẽ trên các chai nước hoa, biểu tượng riêng cho từng thành phố. Cuối cùng họ cũng tìm được tiếng nói chung, với sự sáng tạo của những người đam mê cái đẹp.
Huỳnh Hải Yến có riêng cuốn sách về mùi hương của nước hoa. “Bí mật những mùi hương” không chỉ tái hiện sự nhiệt thành của người viết, mà còn đưa ra những điều cực kỳ mới mẻ để khám phá cuộc sống của những người trẻ thời hiện đại. Các hình ảnh đẹp tinh tế trong cuốn sách, đều do chính tay Yến chụp.
Cô yêu thích công việc đặc thù này tới mức, tưởng như những trải nghiệm và cảm xúc của Yến chỉ là chất xúc tác cho một bản lĩnh quyết đi theo con đường của riêng mình. Con đường không “đụng hàng” với ai cả. Và có lẽ cũng rất hiếm người đi được tới cuối con đường, cho dù đường đi ngập tràn mùi hương thơm khó dứt bỏ.
Yến nói, ở Đà Lạt có 1 anh điều chế nước hoa rất giỏi, nhưng anh ấy cho biết không đủ sức để ra dòng nước hoa mang thương hiệu cá nhân. Cuộc sống cần vật chất để nuôi con cái ăn học đã khiến anh đành xếp lại đam mê của mình. Ngày cứ thế trôi đi, và không thể quay trở lại được nữa!
Hoàn toàn bằng cảm giác, bạn ạ. Thưởng thức mùi thơm ấy. Chỉ bằng cảm giác thôi. Nhưng khi nghe được mùi thơm này, lại nhớ được khoảnh khắc đã qua trong cuộc đời mình. Đơn giản, ví như chỉ thoảng qua mùi của Hoi An Déjà Vu, là quay quắt nhớ ngay ngày mưa cầm tay cô bạn gái đi mua khăn choàng lụa trên phố cổ…
Theo Phunuvietnam.vn