TS Hoàng Thị Thu Hà trong phòng thí nghiệm
Từ năm 2012 đến năm 2016, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà đã thực hiện Công trình nghiên cứu “Vaccine ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên”.
Dù vaccine ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hơn 30 năm nay và số trường hợp mắc ho gà trên 100.000 dân giảm từ 90 (năm 1981) xuống 0,06 (năm 2013) nhưng trong thời gian gần đây, ho gà vẫn là mối quan tâm của Việt Nam vì nhiều trẻ vẫn mắc bệnh này.
Đáng lo ngại là đa số trường hợp mắc ho gà nặng và tử vong xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ - đối tượng chưa đến tuổi tiêm phòng. Mặc dù tiêm phòng cho trẻ sơ sinh đã có những thành công đáng kể nhưng khả năng cơ thể được bảo vệ chỉ bắt đầu sau vài tuần tiêm vaccine, trái với miễn dịch chủ động từ kháng thể do mẹ truyền, có tác dụng bảo vệ từ những giờ đầu tiên sau sinh.
Thực tế trên thôi thúc TS Hà cùng đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu này. Đề tài nghiên cứu được tiến hành tại 3 xã Bắc Lý, Đức Lý và Nhân Chính (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với 2 nhóm đối tượng: Nhóm 1 gồm phụ nữ có thai (18-36 tuần), tuổi từ 18 đến 40 tuổi, khỏe mạnh. Nhóm 2 gồm trẻ sơ sinh (được sinh bởi những bà mẹ tham gia nghiên cứu) khỏe mạnh.
Thời gian thực hiện tiêm phòng vaccine, lấy máu, theo dõi cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2015.
Kết quả, các nhà khoa học đã đánh giá được tính an toàn của vaccine ho gà (vô bào) và có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ. Cụ thể, sau khi tiêm vaccine, thai phụ đáp ứng miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể kháng ho gà, bạch hầu, uốn ván ở các bà mẹ đều tăng cao so với trước khi tiêm.
Đồng thời, nồng độ kháng thể ở máu cuống rốn cao hơn rõ rệt ở nhóm trẻ là con của những phụ nữ được tiêm vaccine phòng bệnh khi mang thai, chứng minh khả năng bảo vệ trẻ ở giai đoạn khi mới sinh, trước khi tiêm mũi vaccine phòng bệnh ho gà đầu tiên theo lịch của Chương trình TCMR quốc gia.
Bằng chứng để khuyến cáo tiêm vaccine ho gà cho thai phụ
“Từ kết quả này, bước đầu đánh giá được tính sinh miễn dịch, các phản ứng phụ sau tiêm chủng. Qua đó có cơ sở khuyến cáo sử dụng vaccine ho gà cho phụ nữ có thai nhằm bảo vệ tốt nhất cho trẻ trong những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vaccine phòng ho gà theo Chương trình TCMR”, TS Hà cho biết.
Cũng theo TS Hoàng Thị Thu Hà, nghiên cứu trên còn góp phần cung cấp các bằng chứng khoa học cụ thể cho Bộ Y tế, Chương trình TCMR để xây dựng, bổ sung các chiến lược phù hợp cho việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà với mục đích phòng bệnh và tăng cường sức khỏe trẻ em tại Việt Nam.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà-bạch hầu-uốn ván cho phụ nữ có thai tại thời điểm 18-36 tuần tuổi thai với mục đích tăng cường miễn dịch, chủ động phòng bệnh ho gà từ mẹ truyền cho con.
Đặc biệt, việc thai phụ tiêm vaccine giúp bảo vệ trẻ ngay từ lúc sinh và trong giai đoạn 2 tháng tuổi, trước khi trẻ bắt đầu được tiêm vaccine phòng bệnh.
Hằng năm, ước tính trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc ho gà, trong đó 95% số trường hợp mắc bệnh ở các nước đang phát triển và có khoảng 300 nghìn người chết. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng ở những trẻ còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi để được tiêm chủng vào lúc 2 tháng tuổi hoặc không được tiêm đầy đủ 3 liều vaccine cơ bản phòng bệnh ho gà. Từ đầu năm đến nay, riêng tại BV Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ mắc ho gà, trong có 5 trẻ mắc bệnh nặng nên đã tử vong. Đa phần trẻ bị ho gà nặng và tử vong từ 1 đến 3 tháng tuổi, trong khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mới đủ tuổi tiêm vaccine ngừa ho gà như khuyến cáo. |
Theo Phunuvietnam.vn