Tốt nghiệp trường Cao đẳng kinh tế Thái Nguyên, chị Ma Thị Hường trở về quê hương Bắc Kạn để lập nghiệp.
Nhận thấy cây quế được trồng nhiều ở quê hương và có nhiều tác dụng được ví như “vàng xanh” của thiên nhiên, chị Hường quyết tâm xây dựng một thương hiệu tinh dầu làm từ cây quế.
Chị Hường cho biết, vùng nguyên liệu quế tại địa phương rất dồi dào, thời gian khai thác lại lâu dài, trong vòng đời của quế từ 15 đến 20 năm, có thể tận thu cành lá quế tạo ra thu nhập cho người dân. Xuất phát từ lợi thế ấy, chị Hường thành lập Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Khuổi Khe, từ cây quế chiết xuất những sản phẩm tinh dầu tự nhiên phục vụ nhu cầu của cuộc sống.
Mặc dù có lợi thế là vùng nguyên liệu, nhưng bước đầu khởi nghiệp, chị Hường gặp nhiều khó khăn do đây là một ngành nghề sản xuất chế biến mới nên khan hiếm về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực về kỹ thuật. Bên cạnh đó, do những eo hẹp về vốn nên thiết bị sản xuất còn thô sơ, sản lượng sản xuất chưa cao…
Tuy nhiên, HTX may mắn được sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương vì đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Na Rì xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu từ cành lá quế để tận dụng phần nguyên liệu phụ phẩm, tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chị Hường cho biết, vùng nguyên liệu cho việc chiết xuất tinh dầu quế của HTX rất tiềm năng, ổn định, không chỉ ở huyện Na Rì mà còn các huyện lân cận như Chợ Mới và một số huyện của tỉnh Lạng Sơn cũng có.
Ngoài chế biến và sản xuất tinh dầu quế, HTX Cộng đồng Khuổi Khe còn làm tinh dầu từ cây sả. Trung bình mỗi ngày, HTX chưng cất được 2-3 mẻ tinh dầu quế, 2 mẻ tinh dầu sả. Các sản phẩm từ quế rất đa dạng, như tinh dầu dùng để khử mùi, diệt trùng, sát khuẩn, xông hơi, lau sàn. Bã quế sau khi chưng cất có thể phơi khô tạo ra chất đốt. Đầu ra các sản phẩm khá thuận lợi, được một số đối tác tại Hà Nội, Yên Bái… nhập với giá thành ổn định. Chị Hường tin tưởng vào sự thành công của HTX khi được sự ủng hộ của lãnh đạo sở ban ngành và có vùng nguyên liệu quế rất tiềm năng.
“Hiện nay, HTX đang tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ tỉnh để xây dựng nhà xưởng bài bản có đủ phòng chức năng, thiết bị chưng cất đạt tiêu chuẩn khoa học kĩ thuật, đảm bảo an toàn sản phẩm an toàn phòng cháy chữa cháy tận dụng nguyên liệu đã qua chưng cất làm củi nhằm giảm thiểu bớt nhiên liệu tiêu hao, giảm chi phí sản xuất”, chị Hường cho biết.
Theo chị Hường, huyện Na Rì đã chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, trong đó tập trung vào cây quế, cây dược liệu nhằm phát huy được những lợi thế sẵn có. Du lịch cũng là một thế mạnh của huyện Na Rì khi có nhiều điểm du lịch tiềm năng như Động Nàng Tiên, hồ Khuổi Khe, thác Nà Đăng, Nà Sla, thác Nà Thác…
Tuy nhiên, hiện nay huyện mới đang ở bước khảo sát, đánh giá để xây dựng hạ tầng, phục vụ hoạt động du lịch. Phần lớn những điểm du lịch tiềm năng vẫn còn đang ở trạng thái hoang sơ, tự nhiên, chưa có tác động của con người, cần được đánh thức, nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng, tránh ồ ạt, không hiệu quả mà còn gây phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Chính vì vậy, trong hướng đi tiếp theo của HTX Cộng đồng Khuổi Khe, chị Hường sẽ tiếp tục xây dựng thêm xưởng làm hương quế tạo việc làm cho bà con, chưng cất tinh dầu quế làm nguyên liệu cho các công ty dược và sẽ cho ra sản phẩm du lịch từ tinh dầu quế để phục vụ thị trường du lịch phát triển trong tương lai.
Thời gian vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn ra phức tạp dẫn đến sự đóng băng về kinh tế trên diện rộng, nhưng với sự phát triển kinh tế đặc thù của vùng nguyên liệu quế, HTX của Ma Thị Hường vẫn đang vững bước đi lên, tạo niềm tin cho tác thành viên và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho bà con vùng trồng nguyên liệu.
An Khê - Ảnh: NVCC
Chị Ma thị Hường – Chủ nhiệm Hợp tác xã Cộng đồng Khuổi Khe;
Địa chỉ: Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn;
Điện thoại: 0949 575 465;
Emai: maihuongkt1988@gmail.com.