Thạc sĩ Bá Thị Châm giới thiệu tinh chất mầm đậu nành và viên tiểu đường 

Trong quá trình làm việc, thạc sĩ Bá Thị Châm nhấn thấy nhu cầu rất cao của người dân, đặc biệt là của phụ nữ về chăm sóc sức khỏe liên quan đến các bệnh tiểu đường, chăm sóc sức khỏe giới tính và làm giảm các bệnh liên quan đến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Những sản phẩm này hoàn toàn có thể bào chế từ những thảo dược có sẵn trong nước, dễ trồng, dễ chăm sóc và kiểm soát chất lượng như đỗ tương, dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn… Tuy nhiên, nếu bào chế theo cách thông thường sẽ không phát huy được hết các thành phần dưỡng chất có trong thảo dược

Bằng các nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ hiện đại như công nghệ lên men và bào chế dạng nano, thạc sĩ Bá Thị Châm đã khắc phục được một số điểm còn hạn chế của sản phẩm, giúp phát huy hết hiệu quả của các loại hoạt chất có chứa trong thảo dược để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, chị Bá Thị Châm cũng mong muốn, việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược Việt Nam sẽ tạo công ăn việc làm cho người nông dân, thúc đẩy các hoạt động trồng cây thu lợi kinh tế, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển môi trường xanh bền vững, bảo vệ môi trường, giúp giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Sản phẩm sáng tạo của thạc sĩ Bá Thị Châm gồm tinh chất mầm đậu nành và viên tiểu đường được sản xuất bằng công nghệ lên men và bào chế dạng nano.

Sản phẩm viên tiểu đường bao gồm các thành phần thảo dược như dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn… các hoạt chất được chiết xuất và bào chế dạng nano và tỏi đen được lên men từ tỏi trắng. 

Dây thìa canh có tác dụng tăng sản sinh insulin, giảm thiểu hiện tượng kháng insulin của người có nguy cơ mắc chứng tiểu đường. Cam thảo đất có tác dụng ức chế các enzim chuyển hóa carbohydrat làm chậm quá trình giải phóng đường cần thiết cho người tiểu đường và đường huyết cao. Hoài sơn giúp cơ thể tổng hợp hormon và kích thích cơ thể sinh insulin. Tỏi đen có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu nhờ cơ chế bảo vệ, làm tăng insulin và khởi đầu quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng. Tỏi đen còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch nên có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng viêm nhiễm của người tiểu đường thường mắc phải. Đặc biệt, cách bào chế dạng nano giúp các hoạt chất hấp thu nhanh hơn và nồng độ hoạt chất duy trì ổn định trong máu nên hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu kể cả sau khi dùng sản phẩm 1 giờ hay 7-8 giờ. Đây là điểm cần thiết của sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường mà các sản phẩm khác trên thị trường không có.

Hai sản phẩm này đã được thạc sĩ Bá Thị Châm nghiên cứu từ năm 2013, hoàn thiện vào năm 2016, được các công ty dược thử lâm sàng bằng bệnh nhân tình nguyện, được cấp phép vào đầu tháng 9 năm 2017 và đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Bên cạnh những công dụng tốt cho sức khỏe đã được chứng minh, thạc sĩ Bá Thị Châm mong muốn sản phẩm có thể xuất khẩu và đem lại ngoại tệ cho đất nước cũng như cho người lao động. Từ đó, vùng trồng cây thảo dược nguyên liệu sẽ được đầu tư, nhân rộng và phát triển, góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững của cộng đồng.

Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10.

                                                                Theo Phunuvietnam.vn