Chị Phương chia sẻ, Mộc Châu là địa danh du lịch được nhiều người biết đến bởi khí hậu ôn hòa, phong cảnh tươi đẹp, trong khi đó, mận là đặc sản của địa phương, vừa giòn, ngon, ngọt lại giá trị dinh dưỡng cao, được khách du lịch ưa chuộng. Chính vì thế, năm 2015, gia đình chị Phương quyết định chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng ngô, trồng dong sang trồng mận.
Tới vườn mận nhà chị Phương vào thời điểm này, du khách được chiêm ngưỡng khoảng đồi mận ngút ngàn hơn 2 ha trĩu quả. Lấp ló sau tán lá xanh là những chùm mận chín đỏ mọng. Giữa tháng 5, thời điểm mận chín rộ cũng là lúc chị Phương bắt đầu thu hoạch, đổ bán sỉ cho các thương lái miền xuôi. Mận vừa trẩy xong được chị Phương chia theo từng loại quả rồi đóng vào thùng xốp đem cân. Các lái buôn chỉ việc cho thùng lên xe tải, chở đi khắp các vùng miền trong cả nước.
Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu ái với khí hậu thời tiết và đất đai thuận lợi cho cây mận sinh trưởng và phát triển, cho ra những trái mận chất lượng, giòn, thơm và căng mọng so với những trái mận ở khu vực khác. Mận cũng trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây trong suốt nhiều năm qua.
Chị Phương cho biết, cây mận được đưa vào trồng ở Mộc Châu từ đầu những năm 1980. Cây mận phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La và có hiệu quả kinh tế cao nên đã nhanh chóng được người dân địa phương nhân giống và trồng ra nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Yên Châu, Thuận Châu, thành phố Sơn La. Tận dụng lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, tại nhiều vùng , người dân đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các vườn cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất hữu cơ theo hướng an toàn và bền vững, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, gắn du lịch trải nghiệm tại các vườn mận thông qua các lễ hội.
Riêng đối với diện tích trồng mận nhà chị Phương, chị đã dùng phương pháp ủ ngô và phân chuồng bón cho cây mận. Cùng với đó là bơm nước tưới cây hàng ngày để cải thiện tình trạng khô, thiếu nước. Trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ nên mận nhà chị Phương cho ra quả to, chín đều, mọng nước lại giòn, ngon. Chị cho biết, phương pháp cắt tỉa cây cũng giúp cho quả mận to và chín đều hơn. Chính vì vậy, mỗi năm, gia đình chị thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng từ quả mận.
"Hồi đầu, gia đình tôi trồng ngô, củ dong, nhưng những cây đó ngắn ngày lại không có đầu ra ổn định cho nên chúng tôi quyết định trồng mận, mơ. Từ đó, dần dần kinh tế đã được cải thiện và ổn định hơn", chị Phương cho biết.
Giá sản phẩm mận cắt tỉa được thương lái đến tận vườn mua với giá dao động 50-100 nghìn đồng/1kg. Mận sớm (mận trái vụ) thì có giá từ 20 - 30 nghìn đồng/1kg. Thường thì vợ chồng chị chăm sóc vườn mận, nhưng vào mùa thu hoạch thì thuê thêm nhân công.
Chị Phương chia sẻ, vợ chồng chị rất yêu nghề trồng mận, bởi cây mận không chỉ giúp gia đình chị cải thiện kinh tế, làm giàu, mà còn là một sản vật của địa phương, mang đến cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
"Xuất phát từ vai trò quan trọng của cây mận đối với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sinh kế của người dân, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm mận quả tươi và sản phẩm chế biến từ quả mận tươi Sơn La sẽ là cơ sở phát triển bền vững chuỗi giá trị để phát triển nhãn hiệu mận Sơn La", chị Phương chia sẻ thêm.
Chị cho biết trong thời gian tới sẽ học hỏi nhiều kinh nghiệm để chăm sóc cho vườn mận được đẹp hơn và hướng dẫn cho mọi người cách cắt tỉa và bón phân bằng phương pháp hữu cơ cho cây trồng được tốt hơn, chất lượng quả to và ngọt hơn. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân trồng mận.
Chị Quàng Thị Phương; Địa chỉ: Bản Thái Hưng, Mường Sang, Mộc Châu (Sơn La);
Điện thoại: 033 6063486.
Giá mận hiện nay dao động từ 30.000đ đến 50.000đ; 1kg khoảng 20-25 quả.
Dịch vụ du lịch hái mận: 20.000đ/người
|