Bánh bèo chén
Bánh bèo chén được làm từ nguyên liệu bình dị là bột gạo. Nhưng nhờ sự khéo léo, tinh tế trong cách chế biến mà người Huế đã nâng tầm món ăn vặt của mình thành một đặc sản đáng tự hào.
Bánh bèo là món ăn vặt nổi tiếng mà người dân Huế thường giới thiệu với du khách.
Để có được chiếc bánh bèo tròn xinh, bé xíu, người đầu bếp phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ, làm sao cho chiếc bánh khi ăn phải vừa mềm, vừa dẻo nhưng không quá dai và vẫn giữ được hương thơm của bột gạo.
Một chén bánh bèo Huế ngon và đẹp mắt, nhất thiết phải được điểm xuyết thêm màu vàng của da heo chiên giòn, màu gạch tôm cháy cùng ít hẹ phi... Tất cả kết hợp với nhau hài hòa trong cái vị cay xé lưỡi, khiến du khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Người Huế bày bánh bèo ra mẹt hoặc đặt trong những đĩa nhỏ. Bánh bèo được chấm với nước mắm nguyên chất pha thêm chút đường, tỏi, ớt,… Ngay từ miếng đầu tiên, bạn sẽ hiểu được tại sao bánh bèo lại là món quà vặt được ưa chuộng nhất xứ Huế.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc là món ăn mà du khách nào cũng phải thưởng thức bằng được khi đặt chân đến Huế. Muốn bánh có độ mềm mịn đạt “chuẩn”, người thợ phải nhồi bột bằng tay rồi thêm nhân và luộc cho đến khi có độ trong suốt là chín.
Bánh bột lọc chỉ ăn với mắm ngọt mà không dùng kèm rau.
Nhân bánh bột lọc có hai loại mặn, ngọt. Bánh mặn là nhân tôm, thịt ba chỉ thái nhỏ, còn bánh ngọt là nhân đậu xanh xào. Ngoài ra, bánh bột lọc Huế lại được chia tiếp làm 2 loại là bánh gói (gói bằng lá chuối hoặc lá dong) và bánh trần (không gói lá).
Chiếc bánh bột lọc nho nhỏ nhưng lại có sức quyến rũ rất riêng. Lớp ngoài bánh trong suốt, phô bày nhân tôm và thịt. Nếu thưởng thức bánh với ít ớt tươi, thực khách sẽ cảm nhận được vị cay rất đặc trưng.
Bánh nậm
Mặc dù ở những nơi khác, bánh nậm cũng được bán và làm từ nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, tôm, thịt…, nhưng nhiều thực khách sành ăn cho rằng, ăn bánh nậm ở Huế sẽ cảm nhận được hương vị riêng biệt.
Bánh nậm thanh tao, mềm mịn, thoang thoảng vị tôm là món ăn chơi tinh tế của người Huế.
Chiếc bánh nậm trắng ngần, thanh tao được điểm xuyết bởi một lớp nhân màu đỏ cam và bọc bên ngoài bởi lá dong. Nguyên liệu để làm bánh gồm bột gạo có pha bột năng, được nêm gia vị, dầu ăn và đun trên bếp. Trong quá trình chế biến, đầu bếp phải khuấy liên tục để bột không bị vón cục hoặc cháy. Phần nhân bánh gồm có tôm được lột vỏ, bằm nhuyễn với thịt rồi xào với hành tím.
Bánh sẽ ngon hơn khi được ăn nóng. Mùi thơm mát của lá dong hòa quyện với chút cay nồng của nước mắm tạo nên hương vị thơm ngon, tưởng như có thể tan chảy ngay khi đặt vào miệng.
Bánh ram ít
Bánh ram ít vốn là món ăn dùng trong bữa tiệc cung đình Huế và được các triều vua nhà Nguyễn ưa thích. Ngày nay, người Huế dùng đặc sản này trong các bữa ăn sáng hoặc ăn phụ.
Món ăn được kết hợp từ bánh ram và bánh ít.
Nguyên liệu chính để làm nên món ăn là bột nếp, tôm tươi, thịt ba chỉ... Từ bột nếp, người thợ làm bánh phải nhồi cho thật dẻo rồi chia bột thành hai phần bằng nhau để làm bánh ít và bánh ram.
Bột được chiên thành từng phần nhỏ, cho nhân vào giữa rồi vo tròn lại. Bánh ít thì cho vào hấp chín, riêng bánh ram thì đem chiên vàng. Khi ăn, chỉ cần kẹp hai loại bánh này lại với nhau là đã có thể thưởng thức trọn vẹn cái giòn rụm của bánh ram kết hợp với cái mềm dẻo của bánh ít, vừa ngon vừa rất lạ miệng.
Bánh khoái
Về cái tên bánh khoái, có chuyện kể rằng ngày xưa, người ta đổ bánh trên bếp củi, nhưng trời mưa quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp làm cay xè mắt. Vì thế bánh này vốn có tên là bánh khói, nhưng chệch đi thành "khoái" theo cách phát âm của người Huế.
Ai đã ăn bánh khoái sẽ không quên được vị bùi của đậu phộng và chất thịt thơm tự nhiên.
Bánh khoái dễ khiến người ta liên tưởng tới bánh xèo. Tuy vậy, bánh khoái nhỏ, dày và ăn giòn hơn. Bánh khoái được làm từ bột gạo xay với trứng gà, bột nghệ. Nhân bánh được chế biến từ giá sống, giò, tôm và đôi khi là cá kình.
Cũng giống cách ăn bánh xèo, bánh khoái ăn kèm với rau sống gồm vả, chuối chát, khế thái lát. Đặc biệt hơn cả, cái hồn làm nên hương vị của bánh khoái chính là nước lèo - một loại nước tương đặc biệt của xứ Huế, vốn là công thức gia truyền không tiết lộ cho người ngoài.
Theo Dân trí