leftcenterrightdel
 Một số thành viên nhóm MedTech và giảng viên hướng dẫn Võ Thanh Hằng với sản phẩm “Trà an thần giải lo âu Assamica” - Ảnh: Q.NG.

Nguyễn Long Hoàng vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành công nghệ thực phẩm, còn "người bạn khoa học" Võ Viết Tiến chuẩn bị tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Hành trình đi tìm loại trà của hai chàng trai ấy khởi nguồn từ cây lục lạc lá ổi dài vốn mọc tự nhiên khá nhiều ở Lâm Đồng quê hương, nhiều người nấu nước uống hằng ngày cho biết họ ngủ ngon, bớt lo âu. Con đường khoa học mở ra với đôi bạn từ loại cây chưa thật phổ biến đó.

Cứ để khoa học dẫn lối

Ba Tiến làm về đông y, nên từ bé Tiến đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại dược thảo. Tra cứu trên mạng, những thông tin về cây lục lạc lá ổi dài vẫn còn khá ít ỏi, chưa có nhiều nghiên cứu, trong khi người dân quê Tiến đã dùng nấu nước uống từ lâu rồi, như một loại trà.

Cơ duyên phải kể đến cuộc thi của Bộ Giáo dục và đào tạo dành cho học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Lúc đó Hoàng đang học lớp 11, còn Tiến lớp 12, và bộ đôi này là một trong các chủ nhân của giải nhì cuộc thi nói trên với sản phẩm trà từ nguyên liệu là cây lục lạc lá ổi dài. Cú hích khoa học đầu tiên ấy giúp hai bạn tự tin hơn với dự án nghiên cứu đầu đời của mình.

Hoàng kể hầu như bộ phận nào của loại cây này cũng sử dụng được, nhưng sau nhiều thí nghiệm, các bạn chọn hạt để nghiên cứu. Lý do: hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học có trong hạt cao hơn những bộ phận khác, là nguyên liệu lý tưởng để làm trà.

Hoàn thiện nghiên cứu, thử nghiệm trồng vườn cây nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, và tụi mình đang tích lũy kinh nghiệm để sớm khởi nghiệp với thương hiệu trà của tụi mình.

NGUYỄN LONG HOÀNG

Dự án ấy theo chân hai bạn vào đại học, dù không cùng trường. Lúc này, để có thể chinh chiến một cách chuyên nghiệp ở các cuộc thi như lời Hoàng, nhóm chiêu mộ các thành viên mới. Vậy là 6 bạn trẻ cùng mê nghiên cứu đã tạo thành nhóm MedTech. Ngoài Võ Viết Tiến học trường khác, cả 5 bạn còn lại cùng Trường ĐH Bách khoa gồm: Nguyễn Long Hoàng, Nguyễn Hoàng Phong, Phạm Thanh Thảo Nguyên, Lâm Hiền Xương và Trần Tường Vy.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân (khoa kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) - một trong hai người hướng dẫn nghiên cứu (người còn lại là giảng viên cùng trường Võ Thanh Hằng) - nhận xét các bạn rất năng động bởi nguyên liệu chính dùng nghiên cứu chưa phổ biến, thông tin về loại cây này chưa nhiều nên khá ít tài liệu tham khảo, các bạn phải tự mày mò rất nhiều.

"Chọn hạt của cây nguyên liệu là hướng nghiên cứu rất mới. Tôi đánh giá cao việc dám nghĩ dám làm của nhóm. Chúng tôi cố vấn, gợi mở góc nhìn và hỗ trợ thêm phương tiện, thiết bị giúp các bạn nghiên cứu thuận lợi hơn" - ông Quân nói.

Một loại trà của người Việt, tại sao không?

Cao toàn phần chiết xuất từ hạt của cây được các bạn phối chế với nhiều nguyên liệu khác theo một công thức riêng để tạo nên sự đặc biệt cho trà. Dĩ nhiên, hạt cây vẫn giữ tỉ lệ chính và chủ lực để tạo ra đúng loại trà như định hướng nghiên cứu ban đầu.

Hoàng kể chắc cũng đâu đó chừng 150 công thức để có thể tạo ra 4 dòng sản phẩm "Trà an thần giải lo âu Assamica" hiện có: trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng chai và trà ly tiện dụng. Những kết quả kiểm nghiệm chứng minh tính an toàn của trà bên cạnh công dụng chống lão hóa, giúp người bị mất ngủ khi dùng có thể từ từ vào giấc ngủ một cách tự nhiên.

Những lợi ích của cây nguyên liệu ghi nhận bên đông y được các bạn kết hợp với kiến thức của tây y, thực nghiệm bằng các thí nghiệm khoa học để tạo ra sản phẩm. "Tụi mình đã thử nghiệm trên chuột để kiểm tra độc tố với liều cao nhất nhưng kết quả an toàn, cộng với kết quả kiểm nghiệm giúp nhóm tự tin hơn để đưa vào sản xuất" - Tiến cho hay.

Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những giai đoạn cả nhóm gần như tạm dừng vì dù thử bao nhiêu công thức mới nhưng phản hồi nhận về từ người dùng lại gây thất vọng. "Bỏ cuộc thì không, tụi mình phải tự thanh vị chính mình, kiểu như phải quên đi cái cũ để làm lại cho đến kết quả như hiện nay" - Hoàng bộc bạch.

May mắn khi tham gia Câu lạc bộ khởi nghiệp Xanh Bách Khoa, các bạn nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ để có thể tự tin với sản phẩm hiện có. Nhiều giải thưởng khác nhau của các cuộc thi đã tiếp thêm niềm tin để các bạn nghĩ đến một thương hiệu trà song song với những thương hiệu trà vốn có của Việt Nam.

Thầy Nguyễn Đình Quân nhận xét, các bạn làm việc nghiêm túc, đảm bảo tính chặt chẽ về mặt khoa học khi đã thử nghiệm cẩn trọng để kiểm chứng về độc tính liều cao mà vẫn an toàn. "Tôi cho rằng khả năng thương mại hóa sản phẩm vào thực tế rất khả thi để chúng ta có quyền kỳ vọng vào một thương hiệu trà tốt cho sức khỏe, dùng được cho nhiều lứa tuổi" - ông Quân bày tỏ.

Đăng ký bằng sáng chế

Nguyễn Long Hoàng cho biết, các bạn đã hoàn tất hồ sơ đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm được tạo ra từ nghiên cứu của nhóm. Đây được xem là bước đầu tiên, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ thành quả, công sức nghiên cứu cho hành trình kéo dài gần 6 năm qua.

"Hiện thủ tục đã hoàn thành và đang trong giai đoạn công bố các thông tin công khai để xem có tranh chấp về quyền sở hữu hay không trước khi chính thức được cấp bằng sáng chế. Và nhóm cũng đang tính đến việc đăng ký cho những sản phẩm khác từ các nhánh của công trình nghiên cứu này" - Hoàng chia sẻ.

Theo tuoitre