Anh Trần Minh Tiến và các sản phẩm ống hút cỏ bàng do công ty 3T của anh sản xuất - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Anh, anh Tiến đã tìm ra được công nghệ xử lý cỏ bàng làm ống hút, thay cho các loại ống nhựa được dùng phổ biến nhưng gây quá nhiều tác hại với môi trường hiện nay.

Anh Tiến, 32 tuổi, hiện đang là chủ công ty 3T tại một ngôi làng nhỏ của xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, phía tây TP.HCM.

Để xử lý cỏ bàng thành ống hút, các công nhân của anh Tiến sẽ chọn những cây cỏ phù hợp với nhu cầu, đo cắt thủ công theo một kích thước quy định.

Sau đó, cỏ được đục lỗ các ngăn trong ống, làm sạch bên trong ống, rửa sạch trước khi đưa vào lò xử lý nhiệt rồi phơi khô dưới nắng trong từ 2 đến 3 ngày.

Anh Tiến bắt đầu việc kinh doanh này từ năm 2017. Hiện công ty của anh sản xuất khoảng 3.000 ống hút mỗi ngày, đem lại lợi nhuận 400 USD/tháng. Theo anh, các ống hút cỏ bàng có thể dùng tối đa trong 6 tháng.

Tuy nhiên ông chủ doanh nghiệp 3T hiểu rõ các ống hút cỏ bàng của anh sẽ không thể là nguồn cung vĩnh viễn do lượng cỏ bàng có giới hạn.

"Tôi nghĩ tới việc dùng cỏ bàng làm ống hút như một giải pháp thay thế tạm thời cho ống hút nhựa để giảm bớt tác hại của chúng với môi trường", anh nói.

Các bó ống hút làm từ cỏ bàng của anh Trần Minh Tiến - Ảnh: REUTERS

Khi nhu cầu thị trường tăng, anh Tiến cho biết sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.

"Ngay từ đầu, tôi đã cho rằng việc thu hoạch (cỏ bàng) không bao giờ nên vượt quá mức độ phục hồi cỏ của tự nhiên", anh nói. "Tự nhiên cũng cần có đủ thời gian để hồi phục".

Chính vì thế các công nhân làm việc cho anh chỉ làm từ thứ hai đến thứ sáu. Hai ngày cuối tuần là thời gian họ được nghỉ ngơi, và cũng là thời gian để thiên nhiên được hồi phục, theo như chia sẻ của ông chủ 8X với Reuters.

Theo tuoitre