leftcenterrightdel
Chị Nguyễn Thị Trâm bên những luống cà chua trồng trong hệ thống nhà màng. (Nguồn: baobacninh) 

Trong khi nhiều bạn trẻ rời quê ra phố tìm cơ hội việc làm, chị Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) lại từ bỏ công việc ổn định để “về làng” khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tiên phong đưa cây măng tây xanh về làng

Khác với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, chúng tôi thật sự ấn tượng với chị Nguyễn Thị Trâm bởi phong cách trẻ trung, năng động. Chị Trâm sinh năm 1990, quê ở tỉnh Nam Định. Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, chị Trâm lập gia đình, sinh sống ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Đang làm việc với mức thu nhập ổn định, đến cuối năm 2012, chị quyết định nghỉ việc để làm nông dân. Lúc đầu, nhiều người trong gia đình phản đối bởi công việc của chị là mơ ước của rất nhiều người, trong khi đó sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro.

Huyện Lương Tài là vùng đất màu mỡ rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc canh tác còn manh mún nên hiệu quả không cao, trong khi đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nông nghiệp của người dân là rất lớn. Với đánh giá đó, chị Trâm bắt tay sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao.

Sau nhiều lần tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, chị Trâm nhận thấy măng tây xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, loại cây này chỉ được trồng chủ yếu ở miền Nam, để vận chuyển ra miền Bắc tốn nhiều chi phí nên giá thành khá cao. Chị Trâm dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được thuê 10 mẫu ruộng để trồng măng tây xanh. Trong quá trình trồng, chị Trâm không lường trước được những yếu tố rủi ro, vụ măng tây xanh đầu tiên thất bại.

Không nản chí, chị lên mạng học hỏi, đồng thời trồng thử nghiệm nhiều loại măng tây khác nhau để tìm ra giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Với sự hỗ trợ của chồng là anh Nguyễn Đình Hải, kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chị đã nghiên cứu và phát triển thành công giống măng tây xanh.

Bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm lại tiếp tục thử thách sự kiên trì của chị Nguyễn Thị Trâm. Trong khi anh Hải dành phần lớn thời gian ở đồng rộng để chăm sóc măng tây xanh, chị Trâm đi khắp các tỉnh phía Bắc để tìm kiếm thị trường. “Khi đó, nhiều nhà hàng còn chẳng biết đó là rau gì, cách chế biến như thế nào. Có lúc mình phải bày cách để họ chế biến, ăn thử. Vì là loại rau mới nên ban đầu họ chỉ đặt vài cân nhưng mình vẫn giao đến tận nơi, có khi phải bù lỗ,” chị Trâm chia sẻ.

Sau những nỗ lực, mô hình trồng măng tây của chị Trâm đã cho “trái ngọt” khi năm năm 2015, trang trại của gia đình chị là một trong hai cơ sở sản xuất nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Với thành công ban đầu, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C.

Nhờ đầu ra ổn định, năm 2016, công ty thuê thêm 5ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Để tăng thêm thu nhập, ban đầu, công ty tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như: rau xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp và các loại củ.

Nhằm giảm công sức, ngày công lao động, công ty đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là “Dưa leo baby” - mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.

“Chúng tôi, dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ. Với công nghệ này, người quản lý sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3-4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc” - chị Trâm cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu năm 2021, chị Trâm đã mở rộng vùng sản xuất tại huyện miền núi Quản Bạ, tỉnh Hà Giang với hơn 10ha, chuyên trồng các loại rau trái vụ mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện toàn bộ sản phẩm của công ty đều được trồng theo đơn đặt hàng. Vì thế, doanh thu công ty tăng trưởng vượt bậc, từ 250 triệu đồng năm 2015 lên 18 tỷ đồng năm 2021.

Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng thêm những nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản ở Bắc Ninh và Hà Giang.

Với những thành tích xuất sắc, chị Nguyễn Thị Trâm đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh…

Năm 2021, chị là một trong 63 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng cho những Nhà nông trẻ tiêu biểu xuất sắc.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm đánh giá với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Trâm xứng đáng là gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Bắc Ninh.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chị Trâm đã tạo động lực cho các đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn có cơ hội học tập, trao đổi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương./.

Theo vietnamplus