leftcenterrightdel
 Toàn cảnh sự kiện trải nghiệm trong khuôn khổ Ngày của Phở tại làng Vân Cù, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Tại đây, các cán bộ, nhân viên ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đã đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Họ xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân làng Vân Cù, từ sự hồn nhiên của những đứa trẻ, nụ cười phấn khởi của các cô, các bà hay cái bắt tay thật chặt của các vị cao niên, những người đã dành cả cuộc đời mình giữ cái “hồn” của phở Việt tinh túy, vẹn nguyên như thuở đầu.

Họ ấn tượng trước chia sẻ về lịch sử lâu đời, nhiều thăng trầm nhưng không kém phần thú vị của phở qua lời kể của ba nghệ nhân nấu phở cao tuổi nhất làng – cụ Cồ Việt Hùng, cụ Cồ Như Chêm và Cồ Như Cải. Xuất phát từ một món ăn đơn giản vào những năm 1900 song phở, dưới nỗ lực không biết mệt mỏi của lớp lớp người Nam Định nói chung và người Vân Cù nói riêng, đã dần trở thành nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu, đồng hành cùng người Việt qua những giai đoạn khó khăn tới công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước.
leftcenterrightdel
Cụ Cồ Việt Hùng, cụ Cồ Như Chêm và Cồ Như Cải chia sẻ về nghề phở Nam Định. (Ảnh: Việt Nguyễn) 

Hiện tại, theo thống kê của Câu lạc bộ Phở Vân Cù, chỉ riêng Hà Nội đã có 105 quán phở, 20 cơ sở sản xuất bánh phở của người Vân Cù. Mỗi ngày, thực khách tiêu thụ 30 tấn bánh phở. Trung bình mỗi kg bánh phở làm được 5-6 bát phở. Tuy nhiên, không chỉ có người họ Cồ ở Vân Cù làm nghề nấu Phở mà nhiều người ở các dòng họ, thôn làng khác trong xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực và cả tỉnh Nam Định cũng chọn bán phở làm nghề mưu sinh. Giờ đây, bán phở không chỉ mang lại thu nhập cao, mà còn góp phần khẳng định thương hiệu “Phở bò Nam Định”, lan tỏa nét văn hóa đặc sắc này tới thực khách trong và ngoài nước.

Mặc dù vậy, ngay cả khi đã trải qua nhiều thăng trầm của thời đại và đang dần trở nên phổ biến hơn, song phở Nam Định vẫn giữ được những tinh túy như thuở ban đầu. Theo những nghệ nhân phở Nam Định, bí quyết ấy đến từ sự tỉ mỉ, cẩn thận đến từng công đoạn dù là nhỏ nhất: Lựa chọn gạo để xay bột, dùng nước sạch, tráng bánh, ngâm rửa, hầm xương đúng và đủ, cũng như sử dụng các loại gia vị theo tỷ lệ hợp lý…

Các cán bộ, nhân viên ngoại giao nước ngoài càng thán phục hơn khi tận mắt chứng kiến những nghệ nhân phở của làng Vân Cù từng bước thể hiện tay nghề điêu luyện của mình trong hai chiếc lán tre cạnh sân khấu, với kết quả là bát phở bò Nam Định chuẩn bị đặt ngay ngắn trên bàn của mình.
leftcenterrightdel
 Các cán bộ, nhân viên ngoại giao đoàn trải nghiệm quy trình làm phở Nam Định tại sự kiện ở làng Vân Cù. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Mùi thơm quyến rũ, hương vị nồng nàn từ nước dùng, phối hợp với bánh phở tươi như tan trong miệng, và thớ thịt bò nâu đậm, mềm xen lẫn chút mỡ giòn ánh lên màu vàng điểm vài cọng hành, thêm dấm, ớt và hạt tiêu khiến bất kỳ thực khách nào, dù nam hay nữ, dẫu trẻ hay già, dù Tây hay ta, cũng đều phải tấm tắc.

Đó có lẽ cũng là mục đích của Ngày của Phở: Mang phở, nét ẩm thực, văn hóa đặc sắc của người Việt, đến với bạn bè quốc tế. Sự kiện trải nghiệm của cán bộ, nhân viên ngoại giao đoàn tại Việt Nam ở làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chiều ngày 10/12 là một phần trên hành trình quan trọng ấy.
 leftcenterrightdel
Các cán bộ, nhân viên ngoại giao đoàn trải nghiệm phở bò Nam Định tại làng Vân Cù. (Ảnh: Việt Nguyễn) 

Theo baoquocte