Ẩm thực phong phú và độc đáo, đó chính sự đặc sắc mà ĐBSCL cần phát huy để trở thành “thiên đường ấm thực” của khu vực và cả thế giới.

Mở tour trải nghiệm ẩm thực

Đứng trên góc độ du khách, việc quyết định sẽ đến thành phố nào có một phần lý do là đồ ăn ở đó có ngon không, có hợp khẩu vị không, có đảm bảo vệ sinh không? Theo nghiên cứu của Tổ chức du lịch thế giới, trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch trong chuyến đi, trung bình một khách du lịch chi khoảng 1/3 ngân sách chuyến đi cho việc việc ăn uống. Chính vì vậy ẩm thực có vai trò quan trọng để nâng cao hình ảnh của một địa phương, qua đó xây dựng một thương hiệu mạnh cho ĐBSCL.

Biến ĐBSCL trở thành thiên đường ẩm thực của thế giới - ảnh 1

Ví dụ Thái Lan được gọi là “du lịch ẩm thực” vì sự phong phú, đa dạng. Hay một quốc gia có diện tích nhỏ như Singapore nhưng một trong những yếu tố khiến du khách quyết định du lịch đến đây cũng là ẩm thực. Nếu xét về số lượng, món ăn của họ không phong phú và đặc sắc như Việt Nam. Tuy nhiên, họ có chiến lược phát triển thương hiệu rất tốt. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xuất xứ của món ăn. Nền “du lịch ẩm thực” của quốc đảo này được quảng bá rất tốt. Du khách có thể đi đến các điểm sản xuất, chế biến món ăn, tham dự các lễ hội chuyên về ẩm thực. Một du khách bình thường cũng có thể thưởng thức món ăn của đầu bếp nổi tiếng. Đây chính là cách mà họ “câu” khách, lấy tiền của khách mà du khách vẫn thoải mái và thích thú.

Biến ĐBSCL trở thành thiên đường ẩm thực của thế giới - ảnh 2

Trở lại với ĐBSCL, chúng ta cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trên mạng xã hội văn hóa về quy trình của các món ăn đường phố, bởi đây là nét hấp dẫn cho nhiều du khách quốc tế. Tăng cường cho du khách, mở các tour, trải nghiệm ẩm thực để du khách hiểu cách chế biến, để du khách được nếm và trải nghiệm món ăn tận nơi. Qua đó, ghi dấu ấn các món ăn đến với du khách, góp phần nâng cao thương hiệu văn hóa và du lịch của ĐBSCL.

Xây dựng thương hiệu cho món ăn

Nhiều chuyên gia đã nhận định nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam rất đặc sắc nhưng do quá phong phú món ăn mà Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng lại như một đội bóng có quá nhiều ngôi sao. Thế nên, việc chọn ra một vài món ăn tiêu biểu cho ĐBSCL là cực kỳ cần thiết. Không phải chỉ chọn ra một danh sách thông thường, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng một thương hiệu cho món ăn đó gắn với ĐBSCL. Có thể lấy lấy mỗi tỉnh một thương hiệu đặc trưng nhất rồi đầu tư quảng bá. Cần có sự đầu tư bài bản, thành lập các nhóm chuyên gia, tổ chức phát triển chuyên nghiệp, có kế hoạch, lộ trình xây dựng thương hiệu. Có vậy những món ăn độc đáo của ĐBSCL mới có thể tỏa sáng trong mắt quốc tế.

Xét trên góc độ sự tinh tế, có thể coi người đầu bếp là nghệ sĩ. Như vậy, chúng ta cần nâng tầm những người chế biến món ăn, tương tự điều mà Nhật Bản đã làm với món sushi. Tiền đề cho cách làm này chính là sự mở rộng công nhận nghệ nhân ẩm thực và quảng bá mạnh mẽ những nghệ nhân đó, dù họ chỉ là người nấu ăn đường phố.

Một trong những chiến lược hiệu quả để xây dựng thương hiệu ẩm thực cho ĐBSCL chính là mở các khóa học nấu ăn cho du khách kết hợp với du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa ẩm thực. Không chỉ được thưởng thức món ăn, du khách có thể học chính cách làm món ăn đó, cách đi chợ chọn nguyên liệu, cách chế biến sao cho đúng hương vị nhất. Qua đó, dần hình thành và định vị thương hiệu ẩm thực của ĐBSCL ra cả nước và trong mắt bạn bè quốc tế.

Quảng bá ra thế giới qua mạng xã hội

Tăng cường quảng bá ẩm thực của ĐBSCL bằng các kênh chính thống trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok… Mời những người nổi tiếng, có sự ảnh hưởng với công chúng như ca sĩ, diễn viên, người ảnh hưởng đến giới trẻ… tham gia quảng bá cho ẩm thực ĐBSCL; Các chiến dịch quảng bá cần được xây dựng với các nội dung và mục tiêu cụ thể, có điểm đích rõ dựa trên các sự kiện lớn của đất nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Để xây dựng được thương hiệu ẩm thực mạnh của ĐBSCL, một điều quan trọng là phải chú trọng và đẩy mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Càng nổi tiếng về ẩm thực đường phố thì càng phải đảm bảo vệ sinh đến mọi quán ăn đường phố. Phát triển nguồn cung ứng thực phẩm sạch đến các chợ đầu mối, tăng cường mối liên kết trang trại - nhà hàng với mục đích an toàn cho khách. Tuyên truyền mạnh mẽ, đào tạo văn hóa ứng xử cho người bán, người phục vụ để giữ hình ảnh đẹp về ẩm thực ĐBSCL.

 

 

Theo Thanh niên