Trong căn nhà trên P.Thủy Biều, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Phan Quang Nhật (30 tuổi) chăm chú vẽ tranh lên từng chiếc nón lá. Sau vài phút, du khách “ồ lên” khi chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa mang hình ảnh cố đô thơ mộng... Địa điểm này đang được nhiều du khách tìm đến trải nghiệm.
"Đi lên" từ những ngày cơ cực
Bắt đầu câu chuyện từ những ngày đầu với niềm đam mê hội họa, anh Nhật kể niềm vui của anh thời thơ ấu cũng khác với những người bạn cùng trang lứa. Anh thích vẽ, mê vẽ dù điều kiện gia đình lúc đó rất khó khăn.
|
Anh Phan Quang Nhật
|
“Lúc đó mê quá nên mình đi xin từng mảnh truyện tranh của bạn rồi nhìn vào đó mà vẽ theo. Thú thật mình chỉ thích học mỗi môn vẽ chứ những môn khác học tệ lắm”, anh Nhật thật thà.
Vì hoàn cảnh khó khăn, học hết cấp 2 Nhật ngỏ ý với bố mẹ được nghỉ học để theo đuổi con đường hội họa, một phần vơi bớt gánh nặng cho gia đình. Cắp sách đến nhà thầy dạy nghề học vẽ tranh lụa từ năm 16 tuổi, hăng say học tập, những nét bút của anh dần sắc sảo hơn.
Đến năm 2015, anh ra nghề rồi về nhà mở riêng cơ sở vẽ tranh lụa.
|
Những hình ảnh quê hương là chủ đề được anh Nhật ưa thích
|
Nhưng rồi thị trường tranh lụa lúc đó ảm đạm, cơ duyên để chàng trai này đến với nghiệp vẽ tranh quê hương trên nón lá cũng bắt đầu từ đó.
“Năm 2016, tình cờ trong một lần dạo chơi trên phố đi bộ mình thấy những chiếc nón lá được bày bán trên các gian hàng, chợt nghĩ nếu vẽ tranh quê hương xứ Huế lên đó chắc du khách sẽ rất thích”, anh Nhật kể.
Nghĩ là làm, chàng trai 9X bắt tay vào nghiên cứu các công thức màu để vẽ lên nón lá. Những sản phẩm đầu tiên khó khăn khi màu vẽ bị chảy, bức tranh không hài hòa, chỉnh chu..., nhưng với niềm đam mê hội họa cháy bỏng, chàng trai quyết không bỏ cuộc.
|
Hình ảnh cô gái Huế mang áo dài trắng thướt tha được anh Nhật vẽ lên nón lá
|
“Những chiếc nón chưa hoàn thiện mình mang ra đầu xóm tặng cho mấy cô đội che nắng. Được họ khen mình cũng vui rồi lấy đó làm động lực để nghiên cứu thêm. Ròng rã 1 năm thì sản phẩm của mình mới thật sự chỉnh chu để cho ra thị trường”, anh Nhật nhớ lại.
Sản phẩm nón lá quê hương của anh Nhật sau khi đăng lên mạng xã hội đã nhận được những lời khen từ bạn bè. Anh bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên từ thủ đô Hà Nội.
Đưa hình ảnh quê hương gần hơn đến du khách
Đến năm 2022, khi thị trường du lịch phục hồi sau dịch Covid-19, nón lá của Phan Quang Nhật ngày càng được nhiều cơ sở đồ lưu niệm ưa chuộng, đặt với số lượng lớn.
“Mình có tình yêu đặc biệt những cảnh vật nơi mảnh đất mình sinh ra, hình ảnh cô gái mang áo dài bên chiếc nón lá, cầu Trường Tiền hay chùa Thiên Mụ… đã tạo cảm cho mình một hứng vô tận để sáng tác”, anh Nhật nói.
|
Nón lá sau khi vẽ xong sẽ được phơi khô
|
Dưới hiên nhà, những chiếc nón vẽ xong được anh Nhật trải ra đều tăm tắp. Nếu ai tinh ý sẽ thấy điều đặc biệt khi chàng trai này có "biệt tài" vẽ nhiều bức tranh giống nhau như một.
“Hình ảnh có sẵn trong đầu rồi nên một tác phẩm mình chỉ cần vẽ trong vòng 15 phút”, anh Nhật giải thích.
|
Hình ảnh con người, cảnh vật Huế được anh Nhật vẽ lên nón
|
Gần một năm nay, những tác phẩm trên nón lá của anh Nhật không chỉ đáp ứng thị trường mà còn biến căn nhà nhỏ của anh trở nên nhộn nhịp. Ngoài những lúc thả hồn sáng tác, anh Nhật còn tất bật với công việc hướng dẫn viên cho các đoàn du khách tìm đến trải nghiệm.
|
Đây là địa điểm trải nghiệm thu hút kháchdu lịchnước ngoài
|
“Đến bây giờ mình không thể nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên nón lá, chỉ biết vui và hạnh phúc khi đam mê của mình đã dần hái những quả ngọt. Niềm đam mê vẽ tranh đã giúp nuôi sống bản thân mình, phụ giúp kinh tế cho gia đình và đặc biệt quảng bá du lịch quê hương đến khu khách thập phương”, anh Nhật bày tỏ.
Theo Thanh niên