Lê Hạ Huyền (1984), thường được khán giả quốc tế biết đến với tên Helen Lê, sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, từng du học 5 năm ở Singapore và 6 năm ở Đức. Trong thời gian đi học, mỗi ngày đều phải ăn những món Tây khiến cô thực sự ngán. Là người thích nấu ăn, Helen bắt đầu tập nấu nhiều món như món Nhật, Thái, Việt...

"Tôi xem các video hướng dẫn nấu ăn trên mạng, thấy YouTuber các nước có cách làm này rất hay, vì vừa giới thiệu được món ăn, vừa quảng bá văn hóa. Vậy là tôi ấp ủ một kênh YouTube về ẩm thực Việt Nam", Helen bộc bạch. Hiện kênh hướng dẫn nấu các món Việt Nam bằng tiếng Anh của cô có hơn 500.000 người theo dõi. 

Mặc dù đã có ý tưởng tốt nhưng cô vẫn chần chừ, phần vì không có đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ, phần vì đang ở chung với 3 người khác trong một nhà nên không có điều kiện. Năm 2011, Helen Lê hạ quyết tâm, "làm đại" trong khả năng rồi cải thiện dần dần. Món Việt đầu tiên cô thử sức là bánh bột lọc, đây là món cô đã làm nhiều lần trong 1 - 2 năm nhưng vẫn chưa ưng ý. 

"Bột ở nước ngoài không giống như ở Việt Nam, mình phải mày mò rất lâu để làm ra món bánh bột lọc không quá cứng, cũng không quá dai", Helen nói. Ảnh: NVCC.

Bước ngoặt đến khi cô đăng ảnh món bánh bột lọc lên trang cá nhân, nhận được sự quan tâm của nhiều bạn bè quốc tế. Ai nấy cũng tò mò về cách làm nên cô quyết định làm video để hướng dẫn. Cô đã mất cả tháng để hoàn thành bởi lúc đó chưa có máy quay, phải mượn máy quay phim đĩa cứng cũ. Sau đó Helen tự ghi âm lời dẫn bằng điện thoại rồi ghép vào video.

"Lúc đó cũng có một số Việt kiều Mỹ làm video hướng dẫn nấu món Việt, kênh YouTube của họ nói tiếng Anh nhưng không thu hút nhiều người xem. Họ cũng làm được khoảng 15 - 20 món thôi và không thực sự chuẩn vị", Helen cho hay.

Theo Helen, để quảng bá được ẩm thực hiệu quả, ngoài sử dụng ngôn ngữ, còn cần am hiểu về ẩm thực, sự khác biệt trong văn hóa. Người theo dõi các video của cô 70% là người nước ngoài, chủ yếu đến từ Mỹ, còn lại từ một số quốc gia khác. Nhiều người là du khách đến Việt Nam du lịch hoặc có vợ, chồng, bạn bè là người Việt nên cảm thấy gần gũi với ẩm thực nước ta. Ngoài ra, kênh còn có nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài theo dõi.

Cô nhớ mãi chuyện về một fan người New Zealand. Từ năm 2014, ông đã gửi hình khoe các món ăn Việt ông nấu theo công thức cô hướng dẫn. Một hôm, ông nhắn tin khoe rằng ông đi ăn ở một quán Việt Nam và đã đưa hình những món mình nấu cho chủ quán xem, người này rất bất ngờ và ấn tượng.

Helen đã rất tò mò và kết bạn để nói chuyện. "Tôi không thể tin được một người không có bạn bè, không người thân Việt Nam lại nấu được món Việt chuẩn như vậy. Ông chỉ đơn giản là một người thích món Việt và ngày nào cũng nấu. Năm 2019, ông có đến Việt Nam và đi ăn cùng tôi. Thật sự rất vui khi có những người bạn như vậy!", cô hào hứng nói.

                     Helen (trái) học làm bánh căn tại cửa hàng bánh căn ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

Helen đã có thời gian dài ở Singapore và Đức nên có nhiều bạn quốc tế; cũng từng đi du lịch nhiều nơi nên cô hiểu một số nguyên liệu có ở Việt Nam, nhưng ở nước ngoài thì không. Dựa trên kinh nghiệm của mình, cô đưa ra các nguyên liệu phù hợp để họ dễ dàng tìm mua. 

Với các món cơ bản như canh chua hoặc thịt kho, dù đã nấu nhiều lần nhưng khi quay video hướng dẫn cho người nước ngoài, cô vẫn nghiên cứu thêm các cách làm khác. Bên cạnh công thức được mẹ hướng dẫn, cô tham khảo quy trình của người miền Nam, thử nhiều cách xem cách nào ngon nhất. Cô cũng học được nhiều từ trong quá trình này, đúc rút được gì sẽ truyền tải cho khán giả qua video.

Ngoài ra, với những món khó hơn, mang đặc trưng vùng miền, Helen chưa bao giờ nấu nhưng vẫn giới thiệu vì cô muốn có bức tranh toàn cảnh về ẩm thực Việt. "Có những món như bún suông miền Tây, bún chả Hà Nội lúc đó tôi chưa từng được ăn nhưng vẫn muốn thử sức. Nếu có điều kiện, mỗi lần về Việt Nam tôi luôn đến các nơi để du lịch và tranh thủ khám phá ẩm thực".

Helen từng ra Hà Nội chỉ để ăn bún riêu, bún chả... đúng vị; đến Huế cũng tìm các quán bán bánh nậm, bánh lọc ngon. Cô nhớ nhất dịp đến Cần Thơ quay cảnh chợ nổi, cảnh người dân ăn hủ tiếu trên sông, đến quán bánh cống xem cách họ làm và ghi hình. Với mỗi video, Helen chèn thêm hình ảnh về món ăn đó trong đời sống người Việt. Bởi cô mong muốn không chỉ hướng dẫn người nước ngoài nấu món ăn, mà còn cho người ta thấy được văn hóa ẩm thực Việt Nam.

"Khi họ ở Mỹ, vào nhà hàng gọi bún hoặc bánh xèo thì chỉ được phục vụ món ăn vậy thôi, khó hình dung được quán bánh xèo ở Việt Nam bán như thế nào, quán phở ra sao. Tôi muốn đưa những hình ảnh này vào để họ hiểu hơn về Việt Nam", Helen hào hứng nói.

Năm 2014, Helen trở về Việt Nam sinh sống và tiếp tục phát triển kênh YouTube. Tới nay, cô đã ra mắt hơn 300 video. Theo blogger naỳ, món quà lớn nhất từ kênh là được làm việc mình yêu thích mỗi ngày và tình cảm của các khán giả quốc tế. Cô thường xuyên nhận được những lời động viên, khen ngợi từ khán giả như "Cảm ơn Helen, tôi luôn thích những công thức của bạn", "Công thức của bạn là chuẩn nhất", "Tôi yêu năng lượng của bạn, tình yêu bạn đặt vào món ăn"...

Theo vnexpress