Những năm gần đây, cây chuối tiêu hồng trở thành cây kinh tế chủ lực, nguồn thu nhập chính của người dân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chi phí bỏ ra để đầu tư khoảng 1 héc ta chuối tiêu hồng chưa đến 20 triệu đồng nhưng thu lãi có thể lên đến gần 200 triệu mỗi năm.

Là một trong những người đi tiên phong đưa cây chuối tiêu hồng về trồng tại địa phương, anh Phạm Năng Thành (xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, cây chuối có chu kỳ kinh tế ngắn, mức đầu tư không cao, kỹ thuật không phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chuối ngày càng mở rộng cho sản phẩm tươi và chế biến. Vì vậy, trồng chuối sẽ đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.

Anh Thành bắt đầu sản xuất chuối theo hướng VietGap từ cuối năm 2014. Đầu tư công nghệ nước tưới tự động, giàn phun mưa, tận dụng nước ở hệ thống sông và giếng khoan sâu hơn 40 mét, hệ thống này giúp giảm lượng phân bón, giảm công lao động mà hiệu quả lại cao. Trung bình 3 đến 4 ngày hệ thống tưới nước tự động lại được bật lên một lần.

Chuối tiêu hồng, cây kinh tế chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Diện tích trồng chuối của huyện Khoái Châu trải đều trong huyện nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực đất bãi, ven sông.

Những cây chuối cho buồng quả to, đều và đẹp chuẩn bị đến ngày thu hoạch.

Hệ thống tưới nước tự động ở các vườn chuối, đảm bảo giữ đủ độ ẩm cho cây chuối trong mùa khô.

Mỗi cây chuối sau khi hạ buồng thu hoạch sẽ được chặt bỏ để tiếp tục trồng cây giống mới.

Chuối sau khi thu hoạch được chuyển về xưởng để tiến hành các công đoạn xử lý thành sản phẩm xuất khẩu.

Công nhân công ty Thuận Tâm Thành (3T) đang tiến hành các công đoạn vệ sinh, cắt nải, đóng gói chuối.

Sau khi được vệ sinh sạch sẽ và nhúng vào dung dịch Tecto 0,2%, những nải chuối được để ráo và đặt vào thùng giấy.

Quan trọng nhất để chuối có thể xuất khẩu được là phải tránh côn trùng hút chích nhựa từ quả non, tránh sương muối làm thâm vỏ, đảm bảo chuối thương phẩm màu sắc tươi sáng tự nhiên.

Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (thương hiệu 3T, Khoái Châu, Hưng Yên) mỗi ngày xuất khoảng 20 tấn chuối trực tiếp đi các đối tác Nga, Malaysia, Hàn Quốc, và các khối nước Arập...

Đầu năm 2015, anh được cấp giấy chứng nhận sản xuất 30 hécta trồng chuối theo hướng VietGap, với 1.500 tấn chuối/năm.

Cũng theo anh Thành, hầu hết kỹ thuật trồng chuối hiện nay đều áp dụng giống cây nuôi mô, giống được sản xuất, nhân giống hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Sử dụng phương pháp này sẽ chủ động hoàn toàn trong công tác thu hoạch, tránh rủi ro.

Với điều kiện ở đồng bằng, mật độ trồng thích hợp là: 1,8 x 1,8 m tương đương 3.500 cây/ha. Sau khi trồng cần ủ rác cho các cây và tưới giữ ẩm để cây mau bén rễ, vườn chuối cần được thường xuyên chăm sóc đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, sớm ra hoa và đạt năng suất cao.

Nhu cầu dinh dưỡng cho chuối khá cao, đặc biệt phân kali, đạm là yếu tố ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến thời gian sinh trưởng, năng suất quả mà còn cả đến phẩm chất, khả năng vận chuyển, cất giữ quả.

Các loại phân sau khi bón cần phải vùi lấp tránh mất mát do quá trình oxy hóa. Phân hữu cơ có thể bón theo rãnh, bón lót. Ngoài ra, còn bổ sung cho cây các loại phân vi lượng bằng cách bón trực tiếp vào đất hoặc phun lên lá cùng với thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, anh Thành đã đăng ký hộ kinh doanh cá thể, thành lập Doanh nghiệp chuối 3T (viết tắt của Thuận Tâm Thành) mỗi ngày xuất khoảng 20 tấn chuối trực tiếp xuất đi các nước Nga, Malaysia, Hàn Quốc, các khối nước Arập...

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu thì từ khi triển khai dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu "chuối tiêu hồng Khoái Châu", đến nay diện tích chuối tiêu hồng của huyện đã tăng lên với khoảng 500ha.

Phát triển chuối tiêu hồng được Khoái Châu xem là một định hướng ưu tiên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hàng năm sản lượng đạt khoảng hơn 30.000 tấn, trị giá hơn 200 tỷ đồng. Huyện Khoái Châu đang quy hoạch và phát triển cây chuối tiêu hồng thành vùng sản xuất hàng hóa, cây chủ lực đem lại kinh tế cho địa phương.

Theo Báo ảnh Việt Nam