Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán - tài chính tại Trường ĐH An Giang, chị Dịu lên TP.HCM làm việc cho một ngân hàng rồi chuyển sang công ty phúc lợi xã hội với mức lương hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Tưởng chừng thu nhập hấp dẫn sẽ níu chân cô gái vùng Bảy Núi (H.Tri Tôn), nhưng bất ngờ chị quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp với sản phẩm mật thốt nốt.

Chị Dịu kể, động lực thôi thúc chị khởi nghiệp là muốn khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của mật thốt nốt. Theo chị, cây thốt nốt mọc dại, tuổi thọ hơn 100 năm nhưng phải mất ít nhất 30 năm mới có khả năng cho mật hoa. Đặc biệt, thổ nhưỡng vùng đất Bảy Núi đã "ban lộc trời" cho cây thốt nốt một số ưu điểm, hương vị khó có chất tạo ngọt nào có được. Sau một thời gian nghiên cứu cách làm mật thốt nốt, năm 2017, chị cùng hai người bạn hùn vốn mở Công ty cổ phần Palmania. "Palm" có nghĩa là "cây cọ", "Mania" nghĩa là "đam mê".

Cô gái Khmer đưa mật thốt nốt sang trời Âu - Ảnh 1.

Chị Dịu (phải) đưa mật thốt nốt đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang) sang trời Âu

Thanh Duy

Thuyết phục nông dân đổi mới

Công ty của chị Dịu mua mật thốt nốt sệt của người dân đem về nhà xưởng xử lý sấy khô bằng công nghệ hiện đại, đóng gói theo quy trình khép kín. Các hộ dân hợp tác phải cam kết thu hoạch và chế biến mật theo quy trình, kỹ thuật chặt chẽ. Mỗi ngày, bà con trèo cây lấy mật hoa hai lần, mỗi lần cách nhau không quá 8 giờ. Nước hoa sau khi thu hái sẽ nấu ngay thành mật nước thốt nốt sệt. Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình làm mật phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, khử trùng thường xuyên.

Điều tưởng dễ lại khó, chị Dịu không ngờ vấn đề nan giải nhất lại nằm ở chỗ thiếu nguồn nguyên liệu ngay chính trên quê hương mình. "Khi người dân đã đưa được sản phẩm của họ ra các điểm bán lẻ, chợ truyền thống thì rất khó thuyết phục họ đổi mới cách làm. Càng khó khăn hơn khi quy trình sản xuất của Palmania đòi hỏi người dân phải bỏ công sức và thời gian nhiều hơn để làm mật, dù mình trả công cho họ cao hơn đi chăng nữa", chị Dịu chia sẻ.

Nhưng trong nguy có cơ, giữa lúc loay hoay tìm người đồng hành thì chị Dịu may mắn gặp được một nông dân tâm huyết với hơn 30 năm làm mật thốt nốt. Từ nguồn nguyên liệu hạn chế, Palmania đã vận hành sản xuất thành công mẻ thốt nốt dạng sệt đầu tiên. Khi thị trường ổn định cũng là lúc niềm tin của người dân dành cho chị Dịu càng nhiều. Đến nay, chị đã liên kết được 5 hộ dân ở H.Tịnh Biên. Một hộ làm tốt có thể cung ứng khoảng 3 - 4 tấn mật sệt mỗi năm.

Theo anh Nguyễn Văn Lượm, một nông dân tại H.Tịnh Biên, tuy là đặc sản nhưng vào mùa thu hoạch cao điểm, mật thốt nốt cũng gặp phải tình trạng "dội chợ" dẫn đến bị ép giá. Khi hợp tác với chị Dịu, giá mật được bao tiêu đầu ra cao hơn gấp đôi so với giá thương lái thu mua. Ngày nào có mật thì Palmania tiêu thụ nên công việc không còn bấp bênh.

Cô gái Khmer đưa mật thốt nốt sang trời Âu - Ảnh 2.

Cây thốt nốt là một nét đặc trưng ở vùng Bảy Núi, An Giang

THANH DUY

Đeo huy chương cho… thốt nốt

Lúc mới khởi nghiệp, nhà xưởng Palmania chỉ rộng 60 m2, nhưng đến nay đã mở rộng lên 250 m2, đồng thời được đầu tư thêm nhiều máy móc, trang thiết bị sản xuất. Công ty của chị Dịu kinh doanh 3 sản phẩm, gồm: mật thốt nốt dạng sệt, dạng bột và dạng hạt. Hiện chị sắp cho ra mắt thêm hai sản phẩm mới là siro và nước thốt nốt tươi đóng lon.

Giờ đây, chị Dịu được nhiều nông dân đặt cho biệt danh là người "đeo huy chương cho thốt nốt" vùng Bảy Núi. Bởi sản phẩm của Palmania đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Cuối năm 2019, chị Dịu mang mật thốt nốt dạng bột tham dự cuộc thi Great Taste Awards tại Anh và nhận giải 2 sao (giải cao nhất 3 sao - PV).

Năm 2020 là khoảng thời gian mang lại nhiều tin vui cho chị Dịu: giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang, giải ba cuộc thi khởi nghiệp Starup Wheel và cuộc thi khởi nghiệp vùng ĐBSCL. Tháng 4.2020, mật thốt nốt sệt Palmania được UBND tỉnh An Giang phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Một tháng sau đó, hai sản phẩm mật thốt nốt dạng sệt và bột được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền.

Cô gái Khmer đưa mật thốt nốt sang trời Âu - Ảnh 3.

Chị Dịu đưa sản phẩm mật thốt nốt tham gia hội chợ

THANH DUY

Đặc biệt, cô gái Khmer này đã làm được việc mà rất ít người tại quê nhà có thể làm là xuất khẩu mật thốt nốt An Giang sang châu Âu. Tuy xuất khẩu có những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe nhưng chị Dịu đã cố gắng hoàn thiện sản phẩm để mang lô hàng chính ngạch đầu tiên sang Phần Lan tháng 7.2021. Sau đó, thị trường mở rộng sang Thụy Điển, Hà Lan và tháng 6.2023 tới chị sẽ tiếp tục mang sản phẩm tham dự Hội chợ quốc tế tại Nhật Bản.

Hiện mỗi năm, chị Dịu cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn đường mật các loại, phân phối tại hơn 60 cửa hàng an toàn thực phẩm sạch và siêu thị ở 20 tỉnh thành trong nước; xuất đi nước ngoài trung bình 700 kg. Riêng năm 2022, doanh thu mang về hơn 2 tỉ đồng.

Ông Võ Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân TT.Tri Tôn (H.Tri Tôn), cho biết trong quá trình khởi nghiệp, chị Dịu gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này sản phẩm đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Ngoài mặt kinh doanh, dự án còn giúp giải quyết vấn đề lao động tại chỗ. Hội Nông dân TT.Tri Tôn và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang hỗ trợ vốn vay để chị tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất.

Theo Thanh niên