Cô gái Tày làm đẹp cho phụ nữ bằng ca cao
Cập nhật lúc 23:11, Thứ ba, 28/06/2022 (GMT+7)
La Thị Thùy Linh sinh năm 1993, người dân tộc Tày (tỉnh Cao Bằng), hiện sinh sống tại thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc) nổi bật trong Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp huyện Ea Kar với chiếc áo dài đỏ thắm. Chị giới thiệu các sản phẩm làm từ ca cao, trong đó son ca cao là sản phẩm được nhiều phụ nữ quan tâm.
|
|
La Thị Thùy Linh (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu các sản phẩm làm từ ca cao tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắc Lắc. |
Tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cô gái La Thị Thùy Linh nhanh chóng tìm được việc làm, nhưng sau vài năm làm việc, thấy công việc không phù hợp nên quyết định về Đắc Lắc lập nghiệp. Năm 2019, chị lập gia đình, gia đình chồng chị chuyên thu mua và chế biến ca cao. Trong quá trình làm việc, chị nhận thấy bột ca cao của gia đình khi bán cho các đối tác trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí lớn nhưng lợi nhuận thấp. Nhiều sản phẩm ca cao có mặt tại Tây Nguyên gắn nhãn mác ca cao nguyên chất Đắc Lắc, nhưng thực tế có nguồn gốc từ nơi khác, giá rẻ, không bảo đảm chất lượng. Trăn trở trước thực tế đó, hai vợ chồng chị quyết định không chỉ dừng lại ở xuất hàng thô, phải đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng thì mới có cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
Được hội phụ nữ xã hỗ trợ vay vốn với chương trình khởi nghiệp, chị Linh đầu tư sản xuất, đến năm 2021 thì cơ sở sản xuất đã được trang bị đủ các máy móc cần thiết. Với nguồn ca cao thu hoạch từ 1ha rẫy của gia đình và ca cao thu mua tại địa phương, cơ sở của chị đã chế biến thành sản phẩm với số lượng lớn. Bên cạnh các mặt hàng chính như bột, bơ ca cao nguyên chất, ca cao hòa tan 3 trong 1, chị cùng chồng còn nghiên cứu tạo ra các sản phẩm rượu vang ca cao, chocolate... Chị luôn say mê với công việc, thậm chí đến khi mang bầu, lo ngại son trên thị trường có chất độc hại như chì có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, chị Linh đã nảy ra ý tưởng sản xuất các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ. Sau một thời gian nghiên cứu, mày mò, loại son ca cao handmade (thủ công) với thành phần bơ ca cao, dầu dừa, sáp ong và màu khoáng đã ra đời. Loại son này không hề độc hại bởi được tạo nên từ các nguyên liệu tự nhiên.
Có được các sản phẩm chất lượng nhưng để đến tay người tiêu dùng lại là một thách thức. Chị vận dụng các kiến thức tiếp thị, quảng cáo sản phẩm qua các trang mạng như Facebook, Zalo hay thông qua các sàn thương mại điện tử, như: Voso; sàn giao dịch nông sản SmartGap Việt Nam... Nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường, ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh mà thu nhập của gia đình chị ban đầu từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng thì đến nay đã là 120-150 triệu đồng/tháng. Tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắc Lắc, các sản phẩm từ ca cao của La Thị Thùy Linh dự thi đã giành được giải ba toàn tỉnh. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, nhiều lần thất bại mới có những sản phẩm thành công như hôm nay. Nhưng vẫn còn thách thức mới đang chờ, đó là sản phẩm kem dưỡng da từ ca cao mà chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất. Tôi có mong muốn lớn nhất là tạo nên những sản phẩm làm đẹp an toàn cho không chỉ phái nữ mà còn cho tất cả mọi người”.
Theo qdnd