leftcenterrightdel
Cơm tấm trở thành món ăn đặc trưng ở miền Nam. 

Cơm tấm là một món ăn truyền thống và phổ biến của người Việt, đặc biệt là ở miền Nam. Cơm tấm được làm từ gạo tấm - một loại gạo hạt vỡ, dùng chung với nhiều món ăn kèm như trứng ốp la, sườn nướng, chả trứng, da heo thái sợi... Thêm vào đó sẽ có hành lá thái nhỏ, nước mắm tỏi ớt, cà chua, dưa chuột và rau củ ngâm.
 
Xưa kia, cơm tấm là món ăn quen thuộc của người dân lao động hoặc sinh viên nghèo. Sở dĩ "món cơm nhà nghèo" được gọi tên "cơm tấm" bởi người ta tận dụng những hạt tấm thừa, hạt gạo bể... để nấu thành cơm. Gạo tấm thường ít nở, giá thành rẻ hơn những loại gạo khác trên thị trường nên nấu cơm tấm cũng là để tiết kiệm chi phí.

Cơm tấm ngon nhất khi được nấu bằng nồi gang hoặc nồi đất và đun bằng củi. Hiện nay, nhiều quán ăn chọn phương pháp hấp cách thủy để tiết kiệm thời gian.

Ăn kèm với cơm tấm thì món truyền thống và ngon nhất phải kể đến bộ ba "sườn - bì - chả", gồm thịt sườn nướng, bì trộn, chả trứng chưng. Bổ sung đồ chua, nước sốt mỡ hành béo ngậy cùng chén nước mắm chua ngọt đậm đà để món ăn thêm tròn vị. 

leftcenterrightdel
 Món ăn kèm tạo nên hương vị đặc trưng của cơm tấm.

Ngoài "nguyên liệu chủ lực" là sườn, bì, chả, cơm tấm có thể ăn cùng trứng ốp la, cá kho, tôm rim, gà nướng, thịt kho tàu, mực nhồi thịt... Tuy mỗi món ăn kèm đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng xét về độ hấp dẫn thì cũng chẳng hề kém cạnh.
Ngày nay, cơm tấm đã trở thành một trong những món ăn đường phố đặc biệt được yêu thích bởi người dân địa phương và cả những du khách nước ngoài. Đặc trưng của những quán cơm tấm trên đường phố là tỏa khói nghi ngút thơm nức của sườn nướng cùng với mùi mùi gạo dịu nhẹ hòa lẫn với mùi thơm của mỡ hành.

Theo baoquocte