Một mẫu đồ chơi của Lepin nhái bộ Star War của Lego - Ảnh: AFP

Cảnh sát Trung Quốc hồi đầu tuần này đã đột kích một cơ sở sản xuất của Lepin, một công ty sản xuất đồ chơi phía nam thành phố Thâm Quyến, và bắt giữ 4 người, theo Hãng thông tấn AFP ngày 27-4.

Nhà chức trách khẳng định các đồ chơi của Lepin đã được sao chép từ bản thiết kế của Lego với tỉ lệ không hề khác biệt các mảnh ghép đến cả tên sản phẩm. Những khuôn đúc này sau đó được chuyển tới một nhà máy khác để sản xuất hàng loạt và bán ra toàn Trung Quốc.

"Tháng 10-2018, cảnh sát Thượng Hải phát hiện các khối lắp ghép Lepin được bán trên thị trường cực kỳ giống với đồ chơi của Lego", thông cáo cho biết.

Chẳng hạn, Lego có bộ Star War dựa theo loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao nổi tiếng thì Lepin cũng có Star Plan, thậm chí là một cái tên vô nghĩa như Star Wnrs "Lego Movie 2" mới được phát hành cách đây không lâu cũng bị Lepin sao chép và bán dưới tên "The Lepin Bricks 2".

Mẫu mã và kiểu dáng y chang, thậm chí có phần bắt mắt nhưng giá thành của Lepin lại rẻ hơn gấp 5 lần hàng thật. Một bộ Lepin có chủ đề về thành phố được bán với giá 3 USD trong khi bộ gốc của Lego được bán với giá từ 15 USD.

Trang web của Lepin thông báo việc ngừng bán hàng. Chưa rõ số phận của các cửa hàng Lepin tại nước ngoài, bao gồm Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh từ cuộc đột kích của cảnh sát được đăng công khai trên các tài khoản chính thức của chính quyền Trung Quốc.

"Trên 10 dây chuyền lắp ráp, hơn 90 khuôn đã được sản xuất. Cảnh sát đã thu giữ khoảng 630.000 khối lắp ghép đã hoàn thành với giá trị lên tới 30 triệu USD".

Ngay sau sự việc, Lepinworld.com - trang web chính thức bán các sản phẩm lắp ghép của Lepin thông báo sẽ ngừng việc kinh doanh kể từ ngày 1-5-2019 "theo yêu cầu của chính phủ và cảnh sát Thượng Hải".

Đến chiều 27-4, Hãng tin AFP khẳng định các sản phẩm của Lepin vẫn còn được bán trên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc.

Theo ông Robin Smithm - phó chủ tịch Lego ở Trung Quốc và Châu Á - Thái Bình Dương, các sản phẩm nhái có thể khiến người dùng gặp vấn đề về độ an toàn và sức khỏe.

Gã khổng lồ đồ chơi Đan Mạch hồi tháng 2 này đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh - nơi có các bản sao của Tử Cấm Thành làm bằng gạch nhựa và hai cửa hàng khác ở Thượng Hải.

Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về việc thực thi sở hữu trí tuệ một cách lỏng lẻo ở Trung Quốc, nơi nạn làm giả các nhãn hàng nổi tiếng diễn ra lan tràn.

Trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại với Washington, Bắc Kinh đã cam kết kiểm soát các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Lepin được xem là một "tượng đài" với những người yêu thích đồ chơi Lego nhưng không đủ khả năng tài chính. Công ty này là một phần của Guangdong Loongon, một nhà sản xuất đồ chơi trẻ em có trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc).

Với khả năng sản xuất giống lên tới 90% các chi tiết, Lepin được xem là sự thay thế cho Lego nếu không tính đến yếu tố sức khỏe.

Theo tuoitre