Tiềm năng và triển vọng

Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu gồm: Bình Phước 12.148 ha, Đắk Nông 11.154 ha, Đắk Lắk 12.082 ha, Bà Rịa – Vũng Tàu 9.074, Đồng Nai 9.010, Gia Lai 11.245. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng. Ngoài ra, còn có các vùng trồng tiêu khác như Phú Quốc (Kiên Giang) đã có thương hiệu lâu nay và vùng trồng hồ tiêu ở Quảng Trị…

Việt Nam có tốc độ xuất khẩu hồ tiêu tăng nhanh, đạt tốc độ tăng 15-20% bình quân mỗi năm. Năm 2001, lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu 50.506 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD. Năm 2014, ngành sản xuất hồ tiêu thế giới giảm sút do một số nước bị mất mùa đẩy giá tiêu lên cao, riêng Việt Nam vẫn ổn định, đạt diện tích hơn 73.500 ha, sản lượng gần 140.000 tấn, xuất khẩu 156.396 tấn (bao gồm cả lượng nhập về để tái xuất) và đạt kim ngạch xuất khẩu 1.204,98 tỷ USD.

Hồ tiêu chín tại thủ phủ tiêu Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Luân

Chất đất đỏ bazan ở Thủ phủ tiêu Gia Lai rất phù hợp trồng hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Luân

Theo dõi chất đất trồng hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Luân

Chăm sóc tại vườn ươm tiêu giống của các hộ gia đình ở Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Luân

Hệ thống tưới tiêu tự động. Ảnh: Nguyễn Luân

Chăm sóc tiêu mùa khô hạn. Ảnh: Nguyễn Luân

Làm vệ sinh cho các trụ tiêu. Ảnh: Nguyễn Luân

Nông dân trồng tiêu giỏi Nguyễn Bá Thịnh (người đứng) trao đổi kỹ thuật với các nông dân trồng tiêu. Ảnh: Nguyễn Luân

Cán bộ Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê trao đổi kỹ thuật trồng hồ tiêu tại vườn tiêu của hộ nông dân Đồng Quốc Bảo, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Luân

Hệ thống tưới nước tự động vận hành trong vườn tiêu do nông dân trồng tiêu giỏi Trần Hữu Thắng huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai sáng chế. Ảnh: Nguyễn Luân

Các Nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam trao đổi với nông dân trồng hồ tiêu tỉnh Bình Phước về tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Quang Minh

Thu hoạch tiêu bằng cách chọn hái tiêu đạt chuẩn ngay trên cây. Ảnh: Nguyễn Luân

Sàng lọc tiêu sau thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Luân

Chà xát để tách hạt ra khỏi các chùm tiêu sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Luân

Phơi tiêu của người dân ở Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Nguyễn Luân

Kho chứa tại Công ty TNHH Một thành viên Hương Mai ở Chư Sê, GiaLai. Ảnh: Nguyễn Luân

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và các nước EU ngày càng tăng. Các nước châu Âu chiếm thị phần 40%, đã chấp nhận công nghệ sản xuất hồ tiêu Việt Nam và các mặt hàng gia vị chế biến từ hồ tiêu Việt Nam.

Năm 2005, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC). Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế, đã vào được các nước có hàng rào kỹ thuật rất ngặt nghèo như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp…

Chúng tôi đến huyện Chư Sê, thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên, nơi có sản lượng hồ tiêu lớn nhất nước, và đã xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.

Ông Đồng Quốc Bảo từ Hải Phòng vào trồng hồ tiêu tại làng Luh, xã Kông H Tok, huyện Chư Sê từ 10 năm trước. Vườn hồ tiêu của ông hiện có hơn 7000 trụ, 2000 trụ đã được thu hoạch, trừ chi phí, mỗi năm ông thu về vài trăm triệu đồng. Hiện nay, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, là người “cầm tay, chỉ việc” giúp nhiều người trồng hồ tiêu trong vùng. Ngoài ra, mỗi năm, ông ươm hàng trăm bầu tiêu giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho người trồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và dự định đầu tư dây chuyền chế biến tiêu trắng quy mô nông hộ.

Ở miền Đông Nam Bộ có hai người trồng tiêu rất giỏi, được Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế trao bằng “Người trồng tiêu giỏi nhất đến từ Việt Nam”. Đó là các ông Trần Hữu Thắng ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và ông Nguyễn Bá Thịnh ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Hơn 10 năm trước, ông Trần Hữu Thắng tự tìm tòi, học hỏi về cây hồ tiêu rồi mạnh dạn bắt tay khởi nghiệp bằng cách chia khoảnh vườn của mình thành ba phần, thử nghiệm ba cách trồng, chăm sóc khác nhau để chọn ra phần vườn đạt năng suất cao nhất áp dụng trên toàn bộ diện tích. Vườn hồ tiêu phát triển tốt cho năng suất, sản lượng cao, nâng cao thu nhập. Từ đó ông mua thêm đất, trồng thêm hồ tiêu, đầu tư cho sản xuất và xây dựng một ngôi nhà khang trang, mua sắm vật dụng… Khi Trung tâm Xuân Lộc chuyển giao công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, bón phân qua đường ống, ông tiên phong đầu tư, áp dụng công nghệ mới. Sau một năm sử dụng hệ thống cùng kỹ thuật chăm sóc mới, vườn tiêu của ông đạt năng suất 7-10 tấn/ha/năm, cao gấp 2 lần trước đây. Vào năm được mùa, gia đình ông thu lợi hàng tỷ đồng.

Tại Bình Phước, ông Nguyễn Bá Thịnh cũng là người có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm. 3,5 ha hồ tiêu của ông đạt năng suất cao, ít bị sâu bệnh. Ông đã sáng chế thành công hệ thống tưới nước, bón phân, tưới thuốc bảo vệ thực vật, đạt giải nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước, giải 3 trong Hội thi toàn quốc.

Có thể nói, nhờ tiềm năng và lợi thế trên nên nhiều năm nay hồ tiêu Việt Nam luôn trở thành đối trọng quan trọng của ngành hàng hồ tiêu thế giới.

Giữ vững ngôi đầu trên trường quốc tế

Liên tục trong suốt 14 năm qua, hồ tiêu Việt Nam luôn giữ vững kỷ lục dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia và tăng thu nhập cho người trồng tiêu. Hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi.

Hiện nay, 95% tổng lượng sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã đạt được mặt bằng phổ thông chung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng khắp thế giới. Hiện nay, dù sản lượng từ các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA và xu hướng tạo sản phẩm đa dạng: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ … tăng lên nhưng hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, đạt mức giá xuất khẩu 7.738 USD/1 tấn, thấp hơn giá bán của nhiều nước. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.

Vì vậy, Hiệp Hội hồ tiêu Việt Nam khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu tòan cầu.

Nhà máy chế biến tiêu sạch quy mô lớn của Công ty Cổ phần Phúc Sinh tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Luân

Không khí làm việc bên trong Nhà máy sản xuất tiêu sạch Công ty Cổ phần INTIMEX. Ảnh: Lê Minh

Một góc Nhà máy sản xuất tiêu sạch Công ty Cổ phần Phúc Sinh. Ảnh: Lê Minh

Các nhân viên nhà máy sản xuất tiêu sạch Công ty Cổ phần Phúc Sinh đang kiểm tra chất lượng tiêu nguyên liệu. Ảnh: Lê Minh

Phòng thí nghiệm của máy sản xuất tiêu sạch của Công ty Cổ phần Phúc Sinh. Ảnh: Tư liệu

Đo ẩm độ để đánh giá chất lượng hạt tiêu thành phẩm. Ảnh: Nguyễn Luân

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến hồ tiêu xuất khẩu đã liên tục phát triển. Tiêu biểu là Công ty CP Phúc Sinh, 5 năm liền đứng ở vị trí “vua” xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam với 6% thị phần hồ tiêu toàn thế giới, chiếm 15-17% thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ra thế giới. Trong những năm gần đây, Phúc Sinh đạt sản lượng hồ tiêu xuất khẩu bình quân hơn 20.000 tấn/năm.

Phúc Sinh ra đời năm 2001 với số vốn ít ỏi, nhanh chóng vượt lên dẫn đầu từ phương thức làm rất riêng là phải tạo được sự khác biệt, dám thay đổi. Công ty chọn hạt tiêu lớn để bán cho những khách hàng có nhu cầu, tiên phong sản xuất tiêu trắng, đầu tư sản xuất tiêu sạch rồi tiêu tiệt trùng…Để thu hút ngày càng nhiều khách hàng, ngoài các kỹ năng maketing, tìm hiểu văn hóa, nhu cầu của người mua, tạo niềm tin với khách hàng… Phúc Sinh còn đầu tư phát triển công nghệ chế biến, trang bị phòng thí nghiệm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, tuyển chọn và kiểm soát nguyên liệu từ khâu đầu vào. Năm 2010, Phúc Sinh trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội Xuất khẩu Hồ tiêu Thế giới bình chọn là nhà xuất khẩu xuất sắc về hồ tiêu.

Ngoài Phúc Sinh, Công ty CP Tập đoàn Intimex cũng được đánh giá là đơn vị mạnh trong ngành hồ tiêu Việt Nam. Với sản lượng hồ tiêu xuất khẩu gần 10.000 tấn/năm, Intimex giành vị trí thứ ba về xuất khẩu hồ tiêu. Intimex có nhà máy chế biến tiêu sạch tại tỉnh Bình Dương. Năm 2010, Intimex nhận giải thưởng “Nhà chế biến sản phẩm hồ tiêu xuất sắc” do Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế bình chọn.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ra đời năm 2001 có vai trò là cầu nối giữa người sản xuất, các tổ chức và doanh nghiệp… để tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Theo đó, Hiệp hội thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, cập nhật thông tin về ngành hàng trong nước và thế giới, khuyến khích sản xuất theo hướng an toàn, liên kết doanh nghiệp với nông dân, nhằm đầu tư phát triển sản xuất và tạo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, chất lượng cao cho công nghiệp chế biến.

Gian trưng bày các sản phẩm tiêu của Công ty Cổ phần INTIMEX tại Hội chợ Sial Thượng Hải 2014. Ảnh: Tư liệu

Gian trưng bày các sản phẩm tiêu của Công ty Cổ phần Phúc Sinh tại Hội chợ quốc tế ở Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Các sản phẩm tiêu sạch của Công ty Cổ phần Phúc Sinh. Ảnh: Lê Minh

Sản phẩm tiêu Phú Quốc nổi tiếng trong nước và thế giới về chất lượng. Ảnh: Lê Minh

Trong định hướng phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu Việt Nam cần có sự liên kết hiệu quả giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Theo đó, Nhà nước cần ưu tiên cho các nghiên cứu mang tính giải pháp khoa học kỹ thuật tổng hợp để quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào trong sản xuất, ưu tiên cho các nghiên cứu phát triển giống, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, xây dựng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP ở các vùng trồng chính... Người trồng hồ tiêu cần đầu tư thâm canh bền vững, sử dụng phân bón cân đối, tăng sử dụng nguồn phân bón hữu cơ dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để tránh được rủi ro do dịch bệnh, duy trì sức khỏe, tuổi thọ của vườn cây và bảo vệ năng suất, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm.Các bộ ngành cần chung tay để hồ tiêu Việt Nam giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới./.

Theo Báo ảnh Việt Nam