Những người phụ nữ Thái bên khung cửi
Vừa giữ nghề truyền thống vừa tăng thu nhập
Bên ngôi nhà sàn của gia đình, bà Lương Thị Thành ở bản Bổng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) luôn rôm rả tiếng nói cười của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm. "Trước đây, có thời điểm trong bản rất ít người biết dệt thổ cẩm, chỉ một số người cao tuổi vẫn cần mẫn, kiên trì giữ nghề. Lớp trẻ vì bận "cơm áo gạo tiền" và chỉ thích những bộ quần áo bán sẵn theo mốt nên không hứng thú với việc học nghề dệt", bà Thành chia sẻ. Đã từ lâu, bà Thành muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, khi có CLB dệt thổ cẩm do Hội LHPN xã thành lập, bà Thành đăng ký tham gia ngay. "Giờ đây tuổi đã cao, tôi rất mong muốn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Vì vậy, khi CLB được thành lập, tôi đã vận động chị em trong bản tham gia các lớp học nghề và truyền đạt kinh nghiệm cho chị em", bà Thanh nói.
Bà Lương Thị Thành cùng các thành viên CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn bên khung cửi
Với mong muốn giữ nghề truyền thống, sau những ngày mùa màng bận rộn, chị Lô Thị Nga, ở bản Bổng, cùng các thành viên CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn lại dành thời gian học dệt. "Với niềm đam mê, muốn giữ nghề dệt truyền thống của cha ông, chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc trong những ngày lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Ở đây, các chị đều tranh thủ dệt vào những lúc rảnh rỗi. Lúc nào không lên nương rẫy thì mình ngồi dệt. Giờ đây, chị em cũng phấn khởi hơn vì không chỉ góp phần gìn giữ nghề truyền thống mà còn có thêm thu nhập từ công việc này", chị Nga cho biết.
Phát triển nghề dệt gắn với du lịch
Chị Lương Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Sơn, cho biết, Hội LHPN xã hiện có 585 hội viên, trong đó gần 60% hội viên là người dân tộc thiểu số. Xuất phát từ thực tế là hầu hết chị em ở đây sản xuất nông nghiệp, vào lúc nông nhàn có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên đầu năm 2017, Hội LHPN xã đã phối hợp với Hội LHPN huyện Anh Sơn, Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho hơn 60 phụ nữ dân tộc Thái trong xã. Sau 2 tháng vừa học, vừa làm, các chị đã làm được nhiều sản phẩm như khăn choàng, chân váy. Đầu năm 2018, Hội LHPN xã đã thành lập CLB dệt thổ cẩm với hơn 20 thành viên. Hiện nay, xã có hơn 10 khung dệt. Nghề dệt thổ cẩm đã mang đến nguồn thu nhập cho các thành viên, có người kiếm được 500.000-1 triệu đồng/tháng.
Nghề dệt thổ cẩm ở xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) thu hút được người trẻ tuổi tham gia học và giữ nghề
Phục hồi nét đẹp thổ cẩm của đồng bào Thái ở huyện Anh Sơn không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thái mà còn nâng cao đời sống tinh thần, làm tăng thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa dân cư trên địa bàn biên giới. Vì vậy, để duy trì được nghề này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm mới được lưu truyền, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ.
"Thực hiện Đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt của địa phương, những năm qua, với sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp ngành, chúng tôi vẫn luôn phấn đấu lưu giữ và thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Ngoài việc khôi phục nghề, trong tương lai, nghề dệt thổ cẩm sẽ được phát triển cùng với du lịch tại địa phương. Đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số", Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Sơn Lương Thị Hảo cho hay.
Đình Nguyên