Nhà hàng Heo Chan. Ảnh TTXVN
Nhà hàng Heo Chan khai trương năm 2013 tại khu phố Okubo, điểm hẹn sôi động của giới trẻ Nhật Bản và người nước ngoài ở Shinjuku, Tokyo, và cũng là nơi tập trung đông đảo những nhà hàng Việt Nam tại thủ đô đất nước Hoa Anh Đào.
Heo Chan được sáng lập bởi anh Phạm Quang Huy (hiện là Giám đốc hệ thống này). Anh tâm sự: từ 11 năm trước, khi mới đặt chân tới Nhật, anh đã ấp ủ dự định mang hương vị Việt đến với quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian đầu, con đường khá gian nan, anh Huy và những cộng sự, nhân viên của mình phải đối diện với nhiều thử thách, đặc biệt là sự khan hiếm nguyên liệu. Còn giờ đây, nhờ kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm, cộng với sự phát triển của giao thương Việt - Nhật, Heo Chan đã có đầy đủ nguồn gia vị, thực phẩm để chế biến tròn vị những món ăn chuẩn Việt Nam, đáp ứng mong đợi của thực khách.
Với Tuyết Nhi, du học sinh Việt Nam sang Nhật được 1 năm rưỡi, những món ăn quê hương luôn là lựa chọn tuyệt vời nhất để làm dịu đi nỗi nhớ nhà. Ở Heo Chan, Tuyết Nhi thích thú nhất là được cũng bạn bè hàn huyên bên những món ăn vặt quen thuộc như nộm đu đủ giòn dai, chân gà sả ớt đậm đà.
Còn với Ame, một cô gái người Nhật chưa từng đặt chân tới Việt Nam, thì sự mới lạ, những nét riêng, khác biệt so với món ăn Nhật của ẩm thực Việt và giá thành hợp lý là hai yếu tố thu hút cô tới với Heo Chan.
Bảng hiệu quán Anh Em. Ảnh: TTXVN
Nhận được sự yêu mến của đông đảo khách hàng Việt Nam, Nhật Bản cũng như quốc tế, bên cạnh nhà hàng ở Okubo, anh Phạm Quang Huy đã mạnh dạn mở thêm cơ sở Heo Chan thứ hai tại Otsuka, hình thành nên hệ thống nhà hàng Việt được yêu thích tại Tokyo.
Giống như Heo Chan, những ngày mới thành lập, khó khăn, thách thức là điều nhà hàng Anh Em phải đối diện. Song với ý chí mạnh mẽ và sự ủng hộ của khách hàng, cũng như khả năng đánh giá thị trường nhạy bén, Bách cùng người anh của mình đã "lèo lái" "con thuyền ẩm thực" vượt qua gian khó để đến với những thành công, cả về chất và lượng. Hiện tại, hai anh em đã phát triển được hệ thống ba nhà hàng tại Tokyo.Cũng nằm ở Okubo, nhà hàng tên gọi Anh Em cũng là một địa chỉ được nhiều fan của ẩm thực Việt ưa chuộng. Trần Văn Bách, Giám đốc của “Anh Em” là một thanh niên thế hệ 9x, đã nhìn thấy cơ hội vàng để phát triển ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học, và quyết định cùng các thành viên trong gia đình sớm bắt tay vào kế hoạch này.
Ở nhà hàng Anh Em, thực khách có thể tìm được nhiều món ăn Việt Nam đặc trưng, từ phở cho tới bún chả Hà Nội, bún bò Huế, bánh cuốn...Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến xuân về, quán còn là nơi quây quần của những du học sinh, thực tập sinh xa nhà, với những bữa ăn ấm cúng bên bánh chưng, giò lụa, cành đào thắm.
Trong những năm gần đây, với đà phát triển của quan hệ Việt - Nhật, số lượng người Việt học tập, sinh sống, làm việc tại Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng. Số liệu của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản ngày 25/10 xác nhận, số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là 371.755 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại nước này, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được cho là một trong các nhân tố thúc đẩy sự gia tăng về số lượng các nhà hàng Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản. Những hệ thống nhà hàng Việt tại Tokyo đang giúp cho ẩm thực Việt Nam lan tỏa tại xứ sở Mặt trời mọc, củng cố thêm vị trí của ẩm thực Việt trên trường quốc tế. |
Theo Thời Đại